Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ năm, 26/09/2024 07:09
TMO - Ngành y tế Hà Nội nhận định, hiện đã bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hằng năm tại Hà Nội (từ tháng 9 đến tháng 11) với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Mưa ngập, nước đọng, điều kiện vệ sinh không đảm bảo...là những nguyên nhân khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi mạnh, có thể bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Sau cơn bão số 3 đến nay, TP.Hà Nội vẫn còn nhiều khu vực đang trong tình trạng ngập lụt. Theo các chuyên gia, ở những nơi nước ngập kéo dài, tù đọng, ô nhiễm... là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Đáng chú ý, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trên địa bàn thành phố thời gian tới. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ ngày 13 đến 19/9, toàn thành phố ghi nhận 285 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc trong tuần như: Đan Phượng (46 ca); Thạch Thất (29 ca); Hà Đông (22 ca); Cầu Giấy (20 ca); Chương Mỹ (17 ca); Thanh Xuân (13 ca)… Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết, không ca tử vong (giảm 74,5% so cùng kỳ năm 2023).
Ở những nơi nước ngập kéo dài, tù đọng, ô nhiễm... là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Về các dịch bệnh khác như: tay chân miệng, sởi, ho gà, liên cầu lợn…, trong tuần trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận một số ca lẻ tẻ. Cụ thể như, bệnh tay chân miệng ghi nhận thêm 45 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; sởi hai ca; ho gà ghi nhận bốn ca mắc. Đáng chú ý, trong tuần ghi nhận một trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn tại huyện Đan Phượng. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố có 9 ca mắc, trong đó có một ca tử vong.
Về công tác phòng dịch sốt xuất huyết, theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch. Đồng thời, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đối với khu vực ngập lụt do mưa lũ như: Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Đình, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì…CDC Hà Nội cũng đang tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại các địa bàn: Quất Động (Thường Tín), Phùng Xá (Thạch Thất), Khương Đình (Thanh Xuân), Thượng Cát (Bắc Từ Liêm), Tân Hội (Đan Phượng), Nhật Tân (Tây Hồ), Hàng Bột (Đống Đa), Mỹ Hưng (Thanh Oai), Hợp Đồng (Chương Mỹ)…
Ngành y tế Hà Nội nhận định, hiện tại đã bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hằng năm tại Hà Nội (từ tháng 9 đến tháng 11) với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trên địa bàn thành phố thời gian tới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn thành phố, cũng như của cả nước hiện nay, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại một số quận, huyện có số mắc cao thời gian qua. Đồng thời, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh dại tại huyện Thạch Thất. Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt.
Các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó); tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường; tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau ngập lụt để xử lý kịp thời như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn.
Công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút là giải pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong đó có dịch sốt xuất huyết.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại tại địa phương trong suốt tuần lễ diễn ra hưởng ứng; tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh như: sốt xuất huyết, ho gà, sởi, tay chân miệng…Riêng đối với các bệnh có vắc xin, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, nguyên nhân phát sinh dịch sốt huyết sau lũ bão là do các vi sinh vật, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là thời điểm các ổ bọ gậy và muỗi phát sinh mạnh. Khi đó, khả năng tiếp xúc giữa người dân và các nguồn lây này lớn hơn, dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch cao hơn. Ngoài ra, một phần nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể đến từ sự chủ quan của người dân. Sau khi mưa bão và ngập lụt đi qua, mọi người thường quan tâm đến việc khắc phục hậu quả hơn là kiểm tra các ổ muỗi hay dụng cụ chứa nước trong gia đình.
Bệnh sốt xuất huyết khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Tùy vào giai đoạn và mức độ của bệnh sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Giai đoạn đáng lo ngại nhất của bệnh sốt xuất huyết là sau khi bệnh nhân giảm sốt bởi thời điểm này người bệnh thường chủ quan, không theo dõi, rất có thể xảy ra tình trạng máu đông, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo đó, các địa phương nhất là người dân cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt. Bên cạnh đó, phối hợp với ban ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó); tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.../.
Thu Hường
Bình luận