Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 15:11
Thứ ba, 05/07/2022 21:07
TMO - Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 169.000km2, trong đó, phần lưu vực nằm ở Việt Nam là lớn nhất, với hơn 50%. Đây là lưu vực sông lớn nhất cả nước chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống.
Hệ thống sông Hồng - Thái Bình đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như: phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa, ô nhiễm nước dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm, ảnh hưởng của các hồ chứa ở thượng lưu tác động đến bồi xói lòng, bờ bãi sông, bồi xói cửa sông và xâm nhập mặn vùng cửa sông, sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp…
Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước góp phần phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, để đảm bảo các mục tiêu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình đến năm 2030, một số chỉ tiêu cơ bản cần đạt được bao gồm: 60% vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát tự động, trực tuyến và 40% còn lại được giám sát định kỳ; 100% nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối theo quy định; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa đa dạng sinh học cao được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và có cắm mốc.
Theo đó, Quy hoạch sẽ đưa ra phân đoạn sông, phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước. Trong đó, chỉ rõ lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên từng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng giới hạn khai thác của các tàng chứa nước; lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng theo không gian (vùng/tiểu vùng sông) và theo thời gian.
Quy hoạch cũng chỉ rõ các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng phát triển tài nguyên nước thuộc quy mô cấp phép ở Trung ương và mạng giám sát tài nguyên nước, giám sát quy hoạch. Bên cạnh đó, quy hoạch đưa ra dự báo nhu cầu nước theo lưu vực và phân bổ cụ thể cho các ngành sử dụng.
Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đầu tiên được lập cho hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình, cụ thể hóa các quan điểm trong Quy hoạch Tài nguyên nước và dựa trên các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước. Các chuyên gia kỳ vọng thông qua quy hoạch có thể cải tạo, phục hồi nguồn nước, tối ưu sử dụng nước và vận hành liên hồ chứa, nâng cao giá trị sử dụng nước. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch này dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III/2022.
Tú Quyên
Bình luận