Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 19:01
Chủ nhật, 02/10/2022 08:10
TMO – Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam tương đối bền vững, ổn định. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt mức cao kỷ lục, trên 48,6 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% và phấn đấu đạt khoảng 55 tỷ USD trong năm 2022.
Tuy phát triển nông nghiệp đang tích cực nhưng có một vấn đề đi kèm với sản xuất nông nghiệp thì cũng có một lượng lớn phụ phẩm phát sinh, khi quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Theo giới chuyên gia, nguy cơ của việc chú trọng đến tăng năng suất, chưa quan tâm đến: Lượng dư thừa, phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học… khiến một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng nghìn tấn chất thải hữu cơ. Đây là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này chưa được quan tâm tái sử dụng hiệu quả và đúng mục đích, mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Ngô sau khi thu hoạch sẽ dùng làm nguồn nguyên liệu cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc.
Theo thống kê, trong lĩnh vực chăn nuôi, cả nước hiện có khoảng 5-6 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung với khối lượng nguồn thải ra môi trường khoảng 84,5 triệu tấn/năm, trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn...) còn lại 80% thải ra môi trường. Tương tự, trong lĩnh vực trồng trọt, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường.
Về khía cạnh thích ứng, nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Ngoài các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, những mặt hàng hoa quả kém chất lượng không bán được, người dân không biết làm cách nào để xử lý, vô hình biến nó thành loại rác thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu m3 gỗ tròn, thải ra 3,4 triệu tấn vỏ, cành, lá và quá trình chế biến tạo ra 2,4 triệu tấn mùn cưa. Các phụ phẩm này được dùng ép viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ...Tuy nhiên, vấn đề tồn tại hiện nay là chi phí để xử lý các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp còn lớn so với thu nhập của nông dân, dẫn tới thực trạng mất đi lượng hữu cơ và dinh dưỡng cây trồng khổng lồ, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, còn đất trồng ngày càng bị thiếu hụt hữu cơ, thoái hoá trầm trọng.
Giới chuyên gia cho rằng, cần chuyển đổi chính sách hỗ trợ theo chuỗi giá trị tuần hoàn; nâng cao vị thế của nông dân tốt hơn, xứng đáng hơn trong các ý tưởng mới về nông nghiệp; chú trọng thực hiện nông nghiệp tuần hoàn ngay tại hộ nông dân, trang trại nhỏ, hợp tác xã (kết hợp trồng trọt-chăn nuôi-thủy sản); tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp vô hình bằng hệ thống sản xuất tuần hoàn có thể áp dụng cho một hệ sinh thái; nhân rộng mô hình hay, khuyến khích các mô hình mới ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; đối với doanh nghiệp và trang trại, chính sách cần nhất là được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng, kịp thời và có quỹ đất phù hợp để đầu tư lâu dài.
Tú Quyên
Bình luận