Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ năm, 21/12/2023 14:12
TMO – Trong buổi làm việc mới đây, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà mong muốn được mở rộng hợp tác sâu rộng với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế lần thứ 7 (Việt Nam – Hàn Quốc) với chủ đề “Đánh giá tác động và quản lý xung đột” diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/12 tại TP. Đà Lạt, Lâm Đồng, đoàn chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam do TS. Nguyễn Ngọc Sinh (Chủ tịch) dẫn đầu và đoàn chuyên gia Hiệp hội Đánh giá tác động môi trường Hàn Quốc do TS. Lee, Youngsoo (Chủ tịch) dẫn đầu đã khảo sát và làm việc với ban lãnh đạo Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Các chuyên gia, nhà khoa học khảo sát thực địa tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: D.T
Sau khi đi tham quan, khảo sát thực địa tại nhiều điểm trong Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, các bên đã có buổi làm việc chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Tại buổi làm việc, đại diện Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà trình bày về các thế mạnh đặc trưng cùng các phương hướng phát triển của Vườn quốc gia, đồng thời mong muốn hợp tác sâu rộng hơn với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong thời gian tới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Vường quốc gia.
Chia sẻ trong buổi làm việc, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh đánh giá cao công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Vườn quốc gia, đồng thời chia sẻ một số vấn đề nhằm nâng cao hơn nữa công tác bảo tồn gắn với phát triển. “Với hàng nghìn cây cổ thụ, trong đó đặc biệt có cây Pơ mu 1.500 tuổi, Ban quản lý Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nên nghiên cứu thành lập tuyến du lịch Cây Di sản Việt Nam như kinh nghiệm của Vườn quốc gia Hoàng Liên”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sinh nhấn mạnh.
Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: D.T
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông (Lâm Đồng), có chức năng và nhiệm vụ bảo tồn các hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu á nhiệt đới, núi cao và các loài động thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm; gắn kết với các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên kế cận để tạo thành một vùng thiên nhiên rộng lớn, góp phần bảo tồn sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây nguyên và vùng Nam Trung Bộ, phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai và các hồ chứa nước ở hạ lưu nhằm phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội của Lâm Đồng, vùng Nam Tây nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải cực Nam Trung Bộ.
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Ngoài ra, nơi đây còn bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị, bảo tồn các đặc trưng văn hoá bản địa nơi cội nguồn của TP. Đà Lạt, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới, phát triển du lịch sinh thái, góp phần củng cố an ninh quốc phòng của Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây nguyên nói chung.
Quản lý xung đột trong quá trình đánh giá tác động môi trường đối với các dự án
PHẠM DUNG
Bình luận