Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ năm, 10/11/2022 14:11
TMO – Nhận thức về “kinh tế tập thể” chưa đầy đủ, thiếu thống nhất dẫn đến khu vực kinh tế tập thể chưa phát triển như mục tiêu đã đề ra.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chưa phát triển như mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. Năng lực nội tại của các hợp tác xã (HTX) còn yếu. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém là do nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quyết liệt.
Kinh tế tập thể, với nòng cốt là hợp tác xã là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam
Trong Hội nghị tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết, quan điểm của Đảng luôn xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể cũng là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Khuyến khích việc tích luỹ và sử dụng hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế tập thể.
Các chuyên gia khuyến nghị cần xem xét sửa đổi Luật HTX năm 2012, đồng thời cần nhân rộng mô hình mới và khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho phát triển các hình thức kinh tế tập thể, HTX. Trong đó, việc sửa đổi Luật HTX năm 2012 phù hợp thực tiễn là yêu cầu đặt ra cấp thiết đối với mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể.
Đối với công tác tuyên truyền, theo các chuyên gia, báo chí đã góp phần tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể trong các cơ quan quản lý. Cùng với đó là thay đổi, nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự thống nhất về quan điểm và hành động trong toàn Đảng, toàn dân về bản chất, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, HTX trong xây dựng và phát triển đất nước.
Không dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, nhiều khó khăn, vướng mắc của khu vực kinh tế tập thể, HTX được báo chí đi sâu, phản ánh trung thực, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ. Từ những vấn đề lớn như nhận thức chung, hạ tầng pháp lý, nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất… đến những bất cập cụ thể trong triển khai Luật HTX, trong phát triển kinh tế hộ; khó khăn trong tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại đều được báo chí thông tin, phân tích khách quan, trung thực, từ đó giúp các cấp, các ngành có thêm cơ sở nghiên cứu, giải quyết. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thiên Lý
Bình luận