Hotline: 0941068156
Thứ hai, 27/01/2025 23:01
Thứ tư, 08/11/2023 14:11
TMO - Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp...là những đối tượng nằm trong quy định xử lý nếu vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo đó, Điều 2 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định cụ thể những đối tượng sẽ bị xử lý nếu vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể như sau:
Là cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan. Các hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
(Ảnh minh họa)
Các tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã; Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư; pháp nhân nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam; Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Các đơn vị sự nghiệp; Tổ hợp tác và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường cũng là đối tượng áp dụng trong Nghị định này.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 7/7/2022 dựa trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường (2020), Luật Đa dạng sinh học (2008), Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (2014) và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm siết chặt quản lý, làm cơ sở pháp lý xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, từ ngày 17/9 đến ngày 16/10/2023, theo báo cáo từ các Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được các Cục Thống kê tổng hợp, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.683 vụ vi phạm môi trường. Tính chung 10 tháng năm 2023 đã phát hiện 14.897 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 13.293 vụ với tổng số tiền phạt là 243,9 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
HẢI YẾN
Bình luận