Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ sáu, 05/07/2024 14:07
TMO - Tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025, có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, trong đó có 55-56% dân số nông thôn dược tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày...
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã đầu tư và đưa vào sử dụng 561 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (trong đó có 59 công trình hoạt động bền vững, 207 công trình hoạt động mức độ trung bình, 295 công trình hoạt động dưới mức trung bình). Tổng công suất thiết kế 79.985 m3/ngày.đêm, cấp nước cho hơn 118.000 người; Công suất khai thác hiện tại 39.972 m3/ngày.đêm, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 112.000 người và các điểm công cộng khu vực nông thôn. Gồm các loại hình: công trình tự chảy: 492 công trình; công trình bơm dẫn: 69 công trình. Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88,8%.
Địa phương này hiện có 5 loại hình quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trong tổng số 561 công trình cấp nước tập trung thì các công trình do UBND các xã quản lý vận hành là 249 công trình/561 công trình (chiếm 44%). Hình thức cộng đồng quản lý là 290 công trình/561 công trình (chiếm 52%); Các hình thức Hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp quản lý 22 công trình/561 công trình (chiếm 4%).
UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Việc đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn nhằm duy trì hoạt động bền vững của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đảm bảo, cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ lượng nước, đảm bảo chất lượng nước theo quy chuẩn quy định góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người. Do tầm quan trọng của nước sạch đối với con người và để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch an toàn, liên tục cho người dân phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, đảm bảo cấp nước an toàn liên tục; Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn lập và thực hiện kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, trong đó cần phải cải tạo sửa chữa các công trình không hoạt động nhưng có khả năng cải tạo sửa chữa để đảm bảo tỷ lệ cấp nước nông thôn theo quy định.
Thời gian tới, tỉnh Nghệ An triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả công trình nước sạch nông thôn, nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.
Trong giai đoạn 2025-2029, địa phương này sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng. Bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lưu lượng, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.
Cụ thể, đến hết năm 2025, 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, trong đó có 55-56% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 30% trở lên; 100% công trình cấp nước tập trung hoạt động bình thường, trong đó 60% hoạt động bền vững.
Đến năm 2030, 95-97% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, trong đó có 60-65% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 80 lít/người/ngày; nâng tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 50% trở lên; 100% công trình cấp nước tập trung hoạt động bình thường, trong đó 80 % hoạt động bền vững. Tỷ lệ hệ thống cấp nước tập trung khu vực nông thôn trên toàn tỉnh lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 10% trở lên.
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, và yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, đơn vị cấp nước và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Định kỳ trước 15/12 hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở NN&PTNT; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Sở NNN&PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh.
Trong đó, tập trung nâng cao và kiểm soát chất lượng nước sạch sinh hoạt: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch dùng cho sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 30/06/2021 của UBND tỉnh Nghệ An (QCĐP 01:2021/NA); Bố trí huy động, lồng ghép các nguồn lực, đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chất lượng cấp nước các công trình cấp nước bị hư hỏng xuống cấp nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là khu vực khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa;
Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch dùng cho sinh hoạt (Ảnh minh họa: MP).
Rà soát và phân loại công trình thực hiện việc giao công trình theo Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; các công trình đầu tư mới đề xuất được đơn vị quản lý tài sản, chịu trách nhiệm về tài sản được giao, vận hành khai thác công trình. Xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng công trình cấp nước;
Quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước: Bảo vệ chất lượng nguồn nước nguyên liệu; xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép. Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác; Đầu tư xây dựng sửa chữa công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt;
Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả như: Đa dạng hóa các hình thức tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích cực sử dụng các nguồn nước sạch sinh hoạt; nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và bảo vệ sức khỏe đến người sử dụng nước; Tổ chức tập huấn cho người trực tiếp quản lý, vận hành khai thác công trình nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận hành công trình.../.
Đức Quân
Bình luận