Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ ba, 31/10/2023 03:10
TMO - Thời gian gần đây, trên địa bàn một số xã thuộc huyện Yên Thành (Nghệ An) và một số địa phương xảy ra tình trạng lợn chết bị vứt ngay bên lề đường, bờ mương, sông ngòi bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu kín, gây ô nhiễm môi trường cũng như lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh diện rộng
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Trong khi, các lực lượng chức năng không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì sự thiếu ý thức của một số người dân đang làm cho nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra khó kiểm soát và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo phản ánh của người dân, một số hộ dân chăn nuôi, khi lợn bị dịch bệnh chết không báo với ngành chức năng, thay vì chôn lấp theo quy định họ lại vứt xác lợn chết xuống sông Đào (đoạn chảy qua địa phận huyện Yên Thành) gây ảnh hưởng cuộc sống người dân ven sông. Theo ghi nhận của PV dọc theo bờ sông Đào (đoạn chảy qua Thị Trấn Yên Thành và xã Xuân Thành) xuất hiện nhiều xác lợn chết được bỏ vào trong bao tải trôi lềnh bềnh trên sông.
Xác lợn chết do dịch đều vứt xuống sông, kênh mương gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Xác lợn chết đang trong giai đoạn phân hủy bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bu kín. Cứ đi khoảng 30-40 m, lại thấy xác lợn mắc kẹt tại sợi dây xích sắt bắc qua sông (sợi dây này với mục đích cứu đuối nước). Một số xác lợn đã phân hủy lâu ngày, còn trơ lại bộ xương nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tại cống chữ U (đoạn giáp ranh giữa 3 xã Hoa Thành, Thị Trấn và Văn Thành), xác lợn mắt kẹt trước miệng cống khá nhiều, đủ kích cỡ, do chưa có lực lượng trục vớt, nên bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối.
Số xác lợn này chưa kịp xử lý, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường xung quanh. Ông Nguyễn Hữu Sơn (trú tại xã Xuân Thành) bức xúc: “Nhà tôi ở gần sông Đào. Thời gian gần đầy xuất hiện lợn chết trôi dạt về đây rất nhiều. Điều này làm nhiều người sống cạnh sông cảm thấy lo lắng, một số người dân dùng nước ở con sông này để sinh hoạt. Ngoài ra, hầu như ngày nào trẻ em cũng tắm trên con sông này. Việc vứt lợn chết xuống sông đã gây mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước.
Một xác lợn nặng cả tạ đã phân huỷ trôi lềnh bềnh trên mặt sông Đào, đoạn qua địa phận huyện Yên Thành, Nghệ An. Ảnh: Tiến Dũng.
Còn những nhà chăn nuôi thì rất lo lắng vì sợ những con lợn này chết vì bệnh, rồi lây lan sang lợn nhà họ”. Còn bà Phan Thị Hòa (trú tại xã Liên Thành) lo lắng: “Gia đình tôi nuôi lợn, đàn lợn nhà tôi là thu nhập chính của gia đình. Tôi thường dùng nước ở sông gần nhà để rửa chuồng, nếu như lợn bị chết do dịch bệnh mà thả xuống sông thì việc lây lan dịch bệnh là có thể xảy ra. Tôi mong chính quyền địa phương nên có biện pháp ngăn ngừa tình trạng này”.
Không những bà Hòa lo lắng mà hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn cũng bất an lo lắng vì con sông Đào này phục vụ tưới tiêu cho gần 29.000 ha đất nông nghiệp và là nguồn cấp nước cho công nghiệp, nước sinh hoạt cho các huyện thị: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.
Được biết, hiện nay tại huyện Yên Thành, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành, ông Lê Văn Hồng cho biết: "UBND huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhất là đang trong mùa dịch, không vứt bừa bãi xác lợn chết xuống sông. Đồng thời, thành lập các tổ xung kích trục vớt xác lợn chết trôi sông, không để gây ô nhiễm. Huyện đã chỉ đạo Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An vớt xác động vật trôi sông. Xác động vật trôi đến địa bàn xã nào thì xã đó có trách nhiệm cùng với công ty trục vớt và tiêu hủy đúng quy trình".
Ông Hồng cho biết thêm: Huyện yêu cầu các ngành chức năng tổ chức rà soát trên địa bàn huyện để xử lý triệt để tình trạng vứt lợn chết gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục tuần tra, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh và luật bảo vệ môi trường sẽ xử lý nghiêm. Hiện, ngành nông nghiệp cùng ngành tài nguyên và môi trường, chính quyền địa phương đang tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng xác lợn chết trôi sông, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, cũng như ngăn chặn dịch tả lợn lây lan.
Ông Nguyễn Công Lương - Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi đầu mối, thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An cho biết: Thời gian qua tình trạng người dân vứt xác lợn chết xuống sông bừa bãi. Đơn vị vừa tuyên truyền vừa phối hợp với chính quyền các địa phương thu gom xác lợn chết trôi trên các sông, kênh để bảo vệ nguồn nước, tránh ô nhiễm và lây lan dịch bệnh. Chúng tôi thường xuyên cử lực lượng hàng ngày tiến hành vớt cùng với chính quyền địa phương tiêu hủy.
Cần xử lý nghiệm việc vứt xác động vật ra môi trường
Xác động vật, rác thải mắc trước miệng cống đoạn qua huyện Yên Thành gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TD.
Việc thả lợn chết xuống đường, kênh, mương là hành vi thiếu ý thức của một số người dân. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Đồng thời, có thể lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Việc vứt heo bệnh xuống sông, kênh có thể bị phạt với mức phạt khá cao.
Để giảm thiểu những tác động xấu của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của người dân nông thôn hiện nay cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách, nguồn tài chính hỗ trợ đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ chính môi trường mình đang sinh sống. Về lâu dài, cần có các giải pháp về kiểm tra, kiểm soát môi trường chặt chẽ, trong đó cần quan tâm hơn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý môi trường tại các khu vực nông thôn hiện nay.
Đối với hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường được quy định tại điểm a, Khoản 6, Điều 5 Nghị định 90/2017, người vi phạm bị phạt tiền từ 5-6 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng. Mức phạt tiền quy định nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tại khoản 7 Điều 13 Luật Thú y 2015 cũng có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, hành vi vứt xác động vật gây ô nhiễm môi trường là một trong những hành vi bị cấm. Trường hợp đã bị xử phạt hành chính hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm, mức phạt tù tối đa đến 5 năm theo quy định tại Điều 241 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật).
Xuân Bắc
Bình luận