Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ sáu, 04/11/2022 08:11
TMO - Quá trình đô thị hóa nhanh trong khi công tác đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp, hệ thống hồ điều hòa còn thiếu, diện tích mảng xanh, ao hồ trong nội thành bị thu hẹp khiến tình trạng ngập úng đô thị ngày càng phức tạp.
Những năm gần đây, tình hình phát triển đô thị nhanh, trong khi hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa lớn sẽ xuất hiện nhiều điểm ngập úng tại các tuyến phố chính và một số điểm ngập nhỏ lẻ khác tại các ngõ ngách khu dân cư.
Trình bày báo cáo trong hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn lý giải về tình trạng Hà Nội “cứ mưa to là ngập”. Theo ông Tuấn, do các điểm úng ngập ở vị trí điểm trũng, xa nguồn xả, cao độ nền thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra các điểm ngập cục bộ. Mặt khác hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy, các nguồn xả, trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch.
Ngoài ra, lượng mưa thực tế vượt lượng mưa tính toán và khả năng của hệ thống thoát nước hiện trạng, làm cho hệ thống thoát nước luôn quá tải dẫn đến thời gian tập trung nước vào hệ thống nhanh, gây ra úng ngập cục bộ. Ông Tuấn cho rằng, quá trình đô thị hóa nhanh nhưng công tác đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp đặc biệt khu vực ngoại thành đối với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Đồng thời, hệ thống hồ điều hòa theo quy hoạch còn thiếu, nhiều ao hồ trong nội thành bị thu hẹp diện tích do phát triển đô thị hoặc chưa tham gia tích nước điều hòa thoát nước đô thị.
Đi kèm với ngập úng là ùn tắc giao thông.
Để đảm bảo công tác thoát nước trên địa bàn, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp: Lập đường dây nóng giữa các đơn vị để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các sự cố thoát nước gây úng ngập; tổ chức ứng trực 24/24h, tập kết và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị để đảm bảo thoát nước tại các vị trí xảy ra úng ngập.
Các đơn vị liên quan cũng tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trạm bơm, công trình đầu mối đảm bảo vận hành 100% công suất; thực hiện cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước nhằm khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố; kiểm tra, bổ sung ga thu nước mưa, thay đổi miệng thu nước của ga thu để tăng khả năng thu nước vào hệ thống; nghiên cứu bổ sung và các bể điều tiết ngầm để giảm thiểu úng ngập tại nơi có địa hình trũng và xa nguồn xả. Trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục từng bước triển khai Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải giai đoạn năm 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn năm 2021- 2025 của Thành phố, để giải quyết tình trạng thoát nước khu vực đô thị, nâng tỷ lệ nước thải đô thị đạt tiêu chuẩn vào năm 2025.
Việt Nam là một trong 10 nước chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Là Thủ đô, thành phố Hà Nội đang chịu ảnh hưởng lớn, trong đó ngập úng đô thị là vấn đề khó giải quyết từ nhiều năm qua. Theo các chuyên gia, về khách quan, Hà Nội là thành phố có địa hình trũng thấp, cao độ trung bình khu vực nội thành chỉ từ 6-6,5m so với mực nước biển, độ dốc dưới 10% chiếm 54,5% diện tích toàn thành phố. Vào các tháng mùa mưa, mực nước sông Hồng vượt mức báo động 1, không thể thoát tự chảy, phải bơm cưỡng bức ra sông dẫn đến nguy cơ ngập lụt.
Ngoài ra, lượng mưa hàng năm tại Hà Nội đều tăng. Từ năm 1962-2001, trung bình mỗi năm thành phố có chín trận mưa trên 100mm. Từ năm 2002-2007, con số này tăng lên 29 trận mưa. Đặc biệt vào năm 2008, có một trận mưa trên 300mm, gây ngập toàn thành phố. Đô thị hóa và gia tăng dân số đô thị cũng là một nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng ngập úng tại Hà Nội. Hệ thống cống mặc dù đã được đầu tư, cải tạo song chưa hoàn thiện nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước của gần 8 triệu dân, chưa tính dân tạm trú.
Các chuyên gia đã chỉ ra, ngập úng ở Hà Nội còn do hiện tượng sụt lún nền. Từ năm 1991 đến nay, có nhiều điểm bị sụt lún do thay đổi mực nước ngầm như tại trạm đo Thành Công sụt lún 4,102 cm/năm, trạm đo Ngô Sĩ Liên sụt lún 2,714 cm/năm...Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, ngập úng tại Hà Nội còn xảy ra do các nguyên nhân chủ quan là những bất cập trong công tác quản lý đô thị, quản lý hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, quy hoạch thoát nước còn nhiều hạn chế, đặc biệt thành phố chưa có hệ thống giám sát, cảnh báo và điều hành đồng bộ chống ngập.
Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan và một số quốc gia trên thế giới đã triển khai các biện pháp chống ngập rất hiệu quả. Tại Nhật Bản, Chính phủ thực hiện song song hai giải pháp công trình và phi công trình nhằm kiểm soát và giảm thiểu ngập lụt. Trong đó, triển khai đồng bộ các phương án: cải tạo sông và kênh rạch; phân vùng chậm lũ; xây dựng các trạm bơm thoát nước, hệ thống giếng và đường hầm thoát nước, đường hầm điều tiết lũ; sử dụng xe bơm chống ngập cục bộ; lập bản đồ phân bổ khu vực ngập nội đô và lũ trên sông; dự báo lũ và hệ thống cảnh báo, điều hành.
Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tiêu thoát nước tại Hà Nội và những kinh nghiệm chống ngập từ các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp giúp Hà Nội giải quyết tình trạng ngập lụt đô thị. Theo đó, giải pháp cơ bản và quan trọng nhất là phải xây dựng trung tâm điều hành chống ngập; hệ thống quan trắc, cảnh báo; hoàn thiện hệ thống cống thoát nước; rà soát, lên kế hoạch nâng cấp, mở rộng các hồ điều hòa, trạm bơm tiêu úng hiện có.
Mặt khác, tiếp tục nạo vét cải tạo các sông, kênh mương thoát nước chính; xây dựng hoàn thiện hệ thống trạm bơm tiêu thoát nước; đưa vào sử dụng xe bơm lưu động phục vụ ứng cứu khẩn cấp các vùng ngập cục bộ và nặng. Có thể nghiên cứu giải pháp xây dựng đường hầm thông minh nhằm giải quyết triệt để tình trạng ngập úng, đặc biệt là khu vực phía Tây.
Thảo Phương
Bình luận