Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Chủ nhật, 25/02/2024 07:02
TMO - Ngành Công Thương thành phố Đà Nẵng chú trọng phát triển công nghiệp, thương mại gắn với bảo vệ môi trường làm nền tảng; lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường ngành Công Thương là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và cải thiện môi trường...tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh những đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường cần được quan tâm giải quyết. Trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoảng sản, luyện kim,...
Thời gian tới, ngành Công Thương thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển công nghiệp chú trọng công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường làm trọng tâm, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; giảm bớt và tiến tới loại bỏ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, sử dụng nhiều năng lượng.
Phát triển năng lượng đồng bộ, hợp lý và đa dạng các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đảm bảo cung ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và gắn liền với an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường; khuyến khích đầu tư, chuyển đổi công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Bảo đảm công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, giảm thiểu các nguy cơ gây tác hại đến môi trường trong hoạt động kinh doanh của hệ thống cơ sở kinh doanh thương mại.
Ngành Công Thương thành phố xác định mục tiêu cụ thể gắn với lộ trình đến năm 2025 và năm 2023 nhằm: Từng bước thay thế các thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Phân loại thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sản xuất cacbon thấp, kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp. Từng bước giảm thiểu rác thải nhựa, túi ni lông dùng 1 lần, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ.
Ngành Công Thương thành phố Đà Nẵng chú trọng phát triển công nghiệp, thương mại gắn với bảo vệ môi trường làm nền tảng.
Thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện 21 dự án bảo vệ môi trường ngành Công Thương để phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, 21 dự án, chương trình thuộc 3 nhóm vấn đề chính gồm Rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương (Nhóm 1, 2 dự án); Phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường (Nhóm 2, 16 dự án); Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường (Nhóm 3, 3 dự án).
Cụ thể, đối với nhóm 1, giai đoạn 2023 – 2025, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng, rà soát, cập nhật, bổ sung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp thành phố; giai đoạn 2026 – 2030, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ chủ trì xây dựng Đề án Tăng trưởng xanh ngành công Thương thành phố giai đoạn 2021 – 2030.
Đối với nhóm phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường sẽ triển khai 7 dự án liên quan đến các cơ sở công nghiệp nằm trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao gồm: Triển khai các giải pháp sản xuất sạch hơn trong một số ngành công nghiệp (Triển khai trong giai đoạn 2023 – 2025 nhằm nâng cao hiệu quả sự dụng nguyên, nhiên liệu, năng lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp); Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn ô nhiễm môi trường (khí thải, nước thải, chất thải rắn) đối với các cơ sở thuộc ngành Công Thương TP.Đà Nẵng (Triển khai giai đoạn 2023 – 2030).
Xây dựng đề án giảm phát thải khí nhà kính cho ngành Công Thương TP. Đà Nẵng (Triển khai trong giai đoạn 2026 – 2030, mục đích đến năm 2030, tỉ lệ phát thải nhà kính từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp giảm từ 5 – 10% so với năm 2025…); Triển khai diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn thành phố (Thực hiện 2023 – 2025); Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường (Thực hiện trong giai đoạn 2026 – 2030); Xây dựng bộ tiêu chí về mô hình cụm công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường (Thực hiện 2026 – 2030).
Lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó rủi ro, sự cố môi trường do chất thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (dệt nhuộm, giấy, luyện kim, phân bón, hóa chất) (Thực hiện 2026 – 2030). Triển khai 4 chương trình, dự án liên quan đến ngành thương mại – dịch vụ gồm: Nạo vét cống rãnh, khử mùi hôi tại mội số chợ trên địa bàn thành phố đảm bảo xây dựng chợ văn minh thương mại, chợ đạt chuẩn an toàn thực phẩm (mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo 90 – 100% chợ trên địa bàn có hệ thống phân loại, thu gom chất thải…).
Thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện 21 dự án bảo vệ môi trường ngành Công Thương để phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Nhân rộng mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa khó phân hủy tại chợ Hàn đến các chợ khác trên địa bàn (phấn đấu đến năm 2025, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố sử dụng 100% bao bì, túi nilon thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy; đến năm 2030, các cơ sở kinh doanh thương mại sử dụng 100% túi nilon bao bì thân thiện với môi trường…); Đầu tư cải tạo hạ tầng thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ các chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn (thực hiện giai đoạn 2026 – 2030); Xây dựng bộ tiêu chí chợ thân thiện môi trường (thực hiện giai đoạn 2024 – 2025).
Thực hiện 3 chương trình/dự án thuộc nhóm ngành công nghiệp năng lượng gồm: Triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới của thành phố (thực hiện trong 2023 – 2025); Thẩm định đánh giá nhận diện tác động môi trường từ các dự án sản xuất năng lượng (như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời…) và đề xuất chính sách quản lý (thực hiện 2026 – 2030); Hỗ trợ các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm xây dựng mô hình quản lý theo ISO 50001:2018 (thực hiện 2026 – 2030).
Ngoài ra, triển khai 2 dự án liên quan đến hoạt động của các làng nghề gồm: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động làng nghề sinh thái, thân thiện môi trường (thực hiện 2026 – 2030); Xây dựng kế hoạch khắc phục ô nhiễm, di dời các làng nghề gây ô nhiễm theo bộ tiêu chí (thực hiện 2026 – 2030). Còn lại 3 dự án thuộc nhóm 3 gồm: Xây dựng kế hoạch truyền thông, bảo vệ môi trường ngành Công Thương phù hợp với TP. Đà Nẵng; Hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về quản lý môi trường có liên quan đến ngành Công Thương cho các doanh nghiệp theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020; Hướng dẫn phổ biến về quản lý, tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thu Hoài
Bình luận