Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 12:01
Thứ tư, 01/02/2023 11:02
TMO - Trong Kế hoạch bảo vệ môi trường, ngành Công Thương đưa ra lộ trình và các ưu tiên thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường của ngành, ngăn ngừa, kiểm soát các nguồn thải, hạn chế các rủi ro, sự cố môi trường; nhận diện các vấn đề môi trường trong giai đoạn tới và phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Ngành Công Thương đặt mục tiêu năm 2025, 70-90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,...đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh tái sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy; xác định nguy cơ và đề xuất các chính sách bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng (như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời) và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Ngành Công Thương xác định nguy cơ và đề xuất các chính sách bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng
Để đạt mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra một trong các nhiệm vụ, giải pháp là rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương. Trong đó, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương; sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, kiểm soát nguồn thải trong một số loại hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao...
Đồng thời, phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương. Đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường của một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy mạnh quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, xỉ thép trong sản xuất thép và chất thải công nghiệp khác; quản lý an toàn bãi thải, cải tạo phục hồi môi trường, xử lý chất thải, an toàn đập thải của hồ chứa quặng đuôi trong khai thác và chế biến khoáng sản. Thúc đẩy thí điểm các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp. Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thí điểm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường.
Trong năm 2023, Bộ Công Thương xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh triển khai bao gồm: Điều tra, đánh giá thực trạng phát sinh và xử lý bụi tại các nhà máy nhiệt điện và đề xuất các giải pháp kiểm soát phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hiện, vấn đề xử lý chất thải công nghiệp từ các nhà máy nhiệt điện là mối quan tâm của nhiều địa phương. Ước tính, các nhà máy nhiệt điện than thải ra môi trường khoảng 16 triệu tấn tro, xỉ, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 64%), trong khi miền Trung là 25%, miền Nam là 11%.
Bụi/tro bay là những loại hạt rất nhỏ bị cuốn theo khí từ ống khói của các nhà máy nhiệt điện khi đốt nhiên liệu. Tro bay được quản lý theo quy định về chất thải rắn công nghiệp thông thường. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tro bay từ các nhà máy nhiệt điện khi kết hợp cùng những nguyên liệu khác sẽ phù hợp để tạo ra bê-tông cường độ cao. Khi sử dụng trong sản xuất vật liệu kiến trúc, tro bay thể hiện tính cách âm, chống nhiệt, chống rạn nứt tốt.
Ngành Công Thương đẩy mạnh quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, xỉ thép trong sản xuất thép và chất thải công nghiệp khác...
Do đó, nhiệm vụ của ngành Công Thương là đề xuất các giải pháp kiểm soát; đề xuất các cơ chế khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư ứng dụng các công nghệ mới thân thiện môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến vào xử lý, tái chế, tiêu thụ tro bay từ các nhà máy nhiệt điện… trên cơ sở đánh giá thực trạng phát sinh bụi của nhà máy điện than trên quy mô toàn quốc.
Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ triển khai điều tra, đánh giá thực trạng phát thải dioxin/furan trong ngành sản xuất gang thép trong cả nước với mục tiêu triển khai kế hoạch quốc gia thực hiện công ước Stockkholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng chính sách quản lý, phát thải dioxin/furan phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Theo đó, các đơn vị chức năng sẽ tổng quan về các nguồn phát thải, chính sách quản lý chất thải có chứa dioxin/furan trên thế giới và tại Việt Nam. Điều tra, đánh giá hiện trạng phát thải và nguồn hình thành dioxin/furan trong ngành sản xuất gang thép tại Việt Nam. Qua đó, để xuất giải pháp quản lý kiểm soát nguồn phát thải trên.
Cùng với các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Bộ Công Thương cũng đồng thời triển khai các nhiệm vụ thường xuyên nhằm ngăn ngừa, chủ động ứng phó với các sự cố môi trường. Cụ thể, Bộ sẽ xây dựng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ Bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương trong năm 2023; Quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với ngành Công Thương; Truyền thông về công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương trên báo Công Thương; Truyền thông về chính sách pháp luật và công tác bảo vệ môi trường trong ngành trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo đài, cổng thông tin điện tử; Phổ biến thông tin về công nghệ và sản phẩm của ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam.
Hoàng Hà
Bình luận