Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ bảy, 26/08/2023 05:08
TMO - Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên cũng tạo ra áp lực lớn đối với công tác bảo vệ môi trường tại địa phương này, đòi hỏi tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn.
Tại tỉnh Đồng Nai, hiện nay trung bình mỗi ngày đang phát sinh khoảng 2.000 tấn rác thải sinh hoạt và bình quân mỗi năm phải chi khoảng 500 tỷ đồng để xử lý rác. Tuy nhiên, thời gian qua do vướng mắc về pháp lý, chi phí thu gom xử lý rác... nên việc xử lý thu gom rác thải tại nhiều huyện, thành phố gặp khó khăn. Đầu năm 2000, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch các khu xử lý (KXL) chất thải.
Năm 2011, quy hoạch này được điều chỉnh, bổ sung cho giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, tỉnh có 9 KXL với 17 dự án, nhưng đến nay chỉ có 4 dự án tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt. Hệ quả là rác thải của 8/11 địa phương dồn về KXL chất thải tại xã Quang Trung. Từ tháng 6/2023, KXL này thông báo ngưng tiếp nhận rác dẫn đến nguy cơ tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường.
Tỉnh Đồng Nai quy hoạch, nâng cao hiệu quả các khu xử lý rác thải, hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm khi rác thải không được thu gom, xử lý hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, những dự án được phê duyệt, cấp chủ trương đầu tư nhưng không hoặc chậm triển khai thì đề xuất thu hồi. Sở TN&MT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với chủ đầu tư KXL rác Bàu Cạn về lộ trình, mốc thời gian dự kiến tiếp nhận rác, trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì đề xuất thu hồi dự án.
Với KXL rác Tài Tiến (huyện Trảng Bom), tỉnh xem xét lại đơn giá xử lý rác đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Đối với KXL chất thải tại xã Quang Trung, tỉnh thống nhất chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở TN&MT tham mưu tỉnh duy trì 4 KXL rác thải sinh hoạt: Bàu Cạn, Vĩnh Tân, Đa Lộc, Cù Lao Xanh. Các KXL rác hiện hữu muốn tiếp tục hoạt động phải chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện.
Thời gian qua, ô nhiễm do quá trình chăn nuôi vốn diễn ra trong thời gian dài, gây ra nhiều hệ lụy từ nông thôn đến thành thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thống kê của Sở TN&MT, trong 2 năm gần đây, có 129 cơ sở chăn nuôi vi phạm về bảo vệ môi trường. Trong đó, phổ biến là xả nước thải chưa qua xử lý hoặc không đạt tiêu chuẩn ra môi trường, chưa đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường theo giấy phép…Bên cạnh việc vi phạm về xử lý chất thải, thiếu hạng mục bảo vệ môi trường, nhiều cơ sở chăn nuôi chưa hoàn thành việc đăng ký giấy phép/báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Do đó, từ tháng 4/2023, Đồng Nai bắt đầu thực hiện đợt tổng kiểm tra chấp hành bảo vệ môi trường đối với gần 10 nghìn cơ sở chăn nuôi trong toàn tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh, tỉnh Đồng Nai thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi, kiểm soát lại công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Ảnh: TM.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.400 cơ sở chăn nuôi tập trung và gần 22,3 nghìn cơ sở chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ có 257 cơ sở chăn nuôi lớn được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; 313 cơ sở chăn nuôi thuộc thẩm quyền cấp huyện được cấp thủ tục về môi trường. Quan điểm của UBND tỉnh là chăn nuôi phải đúng nơi, đúng chỗ; không thể để tồn tại cơ sở chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị, gần sông, hồ vì sẽ gây mùi hôi và đe dọa ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của cả cộng đồng. Trường hợp cơ sở nào chưa đúng quy hoạch phải dứt khoát di dời theo lộ trình. Việc này đòi hỏi sự quyết tâm cả hệ thống chính trị, đồng lòng cao của người dân.
Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, sau các sự cố liên quan đến nước xả thải từng xảy ra, việc kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải ở các khu công nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hiện nay, tất cả 31 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đều có hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 205.800 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư khoảng 2.303 tỷ đồng, bảo đảm tiếp nhận, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp. Nước thải sau khi xử lý đều được giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động, đủ tiêu chuẩn mới được xả ra môi trường. Theo kết quả quan trắc gần đây, chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh được cải thiện qua từng năm.
Công tác xử lý nước thải tại các khu công nghiệp được các ngành chức năng tăng cường giám sát (Ảnh minh họa).
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho thấy, tỉnh đã khắc phục xong các “điểm đen” về môi trường. Ngoài ra, 47 bãi rác tạm tại các huyện, thành phố đã xử lý dứt điểm.
Theo kết luận của Thanh tra Sở TN&MT tỉnh và báo cáo của UBND tỉnh có 157 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Phần lớn là cơ sở sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực như: khai khoáng, chế biến nông lâm sản, sản xuất công nghiệp. Quá trình sản xuất, kinh doanh các cơ sở phát sinh chất thải rắn, khí thải, nước thải mà chưa hoặc đã xử lý nhưng không đạt quy chuẩn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Đến nay, mặc dù vẫn còn những cơ sở vi phạm về quản lý chất thải nhưng không phải thường xuyên, chậm khắc phục hậu quả. Để làm được điều này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong đó có yêu cầu cơ sở vi phạm đầu tư hạ tầng khắc phục hậu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát và hậu kiểm. Tỉnh cũng trích kinh phí đầu tư nhiều công trình, dự án khắc phục và cải tạo môi trường như: xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung; lắp đặt hệ thống quan tự động ở khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, quy hoạch các khu xử lý chất thải tập trung.
Bên cạnh đó, tỉnh ban hành nhiều chính sách quan trọng về môi trường như: chấm dứt chăn nuôi ở nội ô TP.Biên Hòa, di dời hơn 3 ngàn cơ sở ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Di dời, chấm dứt hoạt động nhiều cơ sở gạch ngói nung thủ công để phát triển vật liệu xây dựng không nung; đưa các cơ sở sản xuất gốm truyền thống vào cụm công nghiệp; di chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường, phục hồi hệ sinh thái. Hiện hầu hết các chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra đều đạt. Đó là: Tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 29%, chôn lấp rác thải sinh hoạt dưới 15%, 100% khu công nghiệp đủ điều kiện có trạm quan trắc tự động nước thải…
Trong chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 , tỉnh Đồng Nai xác định, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi môi trường; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, địa phương này đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tái chế chất thải, các cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, gia cầm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng vừa cho ý kiến về nội dung “Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” để nhanh chóng ban hành, triển khai với kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.
Mục tiêu đặt ra là không để tồn tại công nghệ xử lý rác lạc hậu, phương tiện vận chuyển thô sơ mà sẽ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại, tăng tỷ lệ tái chế rác, hạn chế chôn lấp để giảm thiểu ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm. Chính quyền các cấp trên địa bàn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tất cả các hoạt động kinh tế-xã hội, nếu phát hiện có nguy cơ xâm phạm môi trường, phải lập tức ngăn chặn ngay. Những dự án mới phải được đánh giá tác động môi trường một cách thực chất, đầu tư xử lý môi trường bài bản, tránh vỏ bọc hình thức. Đối với những dự án đe dọa môi trường, không chắc chắn kiểm soát được, thì kiên quyết từ chối mời gọi đầu tư.
Lê Dương
Bình luận