Hotline: 0941068156

Thứ hai, 20/01/2025 02:01

Tin nóng

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Thứ hai, 20/01/2025

'Nét vẽ' mới nơi rẻo cao Huy Giáp

Thứ năm, 22/06/2023 00:06

TMO - Có một ‘di sản’ khác nằm trong lòng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng, đó là những con người không chịu khuất phục khó khăn, mạnh mẽ, bền bỉ muôn đời; đó là những bản làng mới nhắc tên đã đánh thức biết bao cảm xúc, như rủ rê mời gọi, khiến những người trót có chút máu bôn tẩu, bồn chồn không yên mà phải mải mốt khăn gói lên đường.

Sau gần 300 km từ Hà Nội, chúng tôi tìm về “thủ phủ” trúc sào - nơi có hàng nghìn cây trúc sào cao vút. Mặt trời lựng đỏ sau lưng những bạt ngàn rừng trúc xanh mát phủ trùm trên rẻo cao xóm Lũng Pán, xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Trúc sào được trồng khắp hai bên đường tạo nên một không gian xanh mát trải dài tít tắp trên con đường dẫn lên trung tâm xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Chiều Lũng Pán ít mây, gió nhè nhẹ, những vệt nắng cuối ngày đượm màu trên con đường trúc phủ xanh ngắt hai bên đường dẫn vào những bản làng người Dao, người Mông. Những ngôi nhà gỗ mái bờ lô mốc thếch với nền đất chính hiệu phủ dấu thời gian.

Đến Lũng Pán, tôi cứ vậy mà quên đi những ồn ào, chật chội của phố thị, sống chậm lại ở một thung lũng xa xôi. Rừng trúc Lũng Pán rì rào với tiếng tiếng chim rừng líu lo khi ban mai hay lúc chiều xuống, khiến tâm hồn con người trở nên thư thái hơn. Điều khá đặc biệt là trong rừng trúc, không có bất kỳ loại cây nào khác nên càng đi sâu vào rừng, chúng tôi càng cảm nhận được sự trong lành, mát mẻ của thiên nhiên miền sơn cước.

Đổi thay nhờ cây trúc sào

Rong ruổi cả buổi quanh những xóm làng ở xã Huy Giáp, lân la, trò chuyện cùng bà con nơi đây chúng tôi mới thấy được những nỗ lực của chính quyền địa phương, những quyết sách đúng đắn cùng với đó là sức mạnh đoàn kết, nghị lực của những con người không chịu khuất phục khó khăn, mạnh mẽ, bền bỉ hơn đá...

Đường vào sâu trong rừng trúc được trải bê tông sạch sẽ.

Huy Giáp là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, núi đồi có độ dốc lớn, cách trung tâm huyện Bảo Lạc 42 km. Xã có 9 xóm hành chính, 747 hộ dân với 4.159 nhân khẩu. Trước đây bà con nghèo lắm, cứ đến mùa giáp hạt là nhà nào, nhà nấy vào rừng đào củ mài, chặt cây báng..., nhà ở thì trống hoác vì tất cả đều làm từ cây trúc, cả chuồng trâu, chuồng bò cũng đều lợp trúc, máng nước cũng trúc, bàn ăn, ghế ngồi cũng chỉ vài thanh trúc trông rất thảm hại. Có những mùa mưa, bão lớn thổi về làm tung cả mái trúc, rất cơ cực.

Chúng tôi vào thăm ngôi nhà mới chuyển đến của gia đình ông Hoàng Văn Việt, dân tộc Mông ở xóm Lũng Cắm, xã Huy Giáp. Ngôi nhà mới của ông Việt rộng khoảng 60m2, do mới chuyển về đây nên đồ đạc còn khá sơ sài và ngổn ngang. Ông Việt cho biết, nhà ông ở xóm Nặm Cốp, nhưng các con đi học khó khăn nên gia đình ông dựng thêm căn nhà mới ở đây để làm ăn và cho hai người con đi học đỡ vất vả. Căn nhà được ngăn thành hai phòng, nói là phòng nhưng thực ra là hai chiếc giường được kê ở hai góc và dùng đủ thứ loại li đô rèm để quây lại, quần áo vắt ngang chiếc dây thép ùn thành một đống khiến dây đỡ oằn xuống, trĩu một đầu… Giữa nhà, hai vợ chồng ông trải bạt để phơi đám lá gai mới đi hái về (lá gai được sử dụng để làm bánh gai - PV).

Không gian bên trong căn nhà mới của gia đình ông Hoàng Văn Việt, dân tộc Mông ở xóm Lũng Cắm, xã Huy Giáp (Bảo Lạc, Cao Bằng).

Thấy khách đến nhà, vợ ông Việt ra góc nhà vác lấy một bó củi khô còn nguyên chiếc dây thừng buộc để tiếp thêm lửa đun nước. Ông Việt tâm sự, mình là người ở huyện Nguyên Bình nhưng lấy vợ và theo vợ ở trên này. Trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn, không đủ cơm ăn, không có áo mặc, không có tiền, không có đất để làm nhà. Nhưng nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm, dạy cái chữ cho, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế nên mới ổn định cuộc sống, cái bụng không còn bị đói, có đất làm nhà, có xe để đi,… vừa nói ông vừa chỉ tay ra hiên nhà, nơi chiếc xe máy được dựng gọn gàng bằng chiếc chân chống giữa.

“Nhưng quan trọng nhất, vợ chồng, gia đình phải biết bảo ban nhau, không nghe theo người xấu bụng, chịu khó làm ăn nuôi con cái trưởng thành. Ngoài trồng hơn 1ha trúc sào, gia đình tôi còn nuôi thêm bò, hái lá gai để bán,.. để dành tiền còn mua thuốc lúc ốm, sửa cái nhà đẹp hơn, mua xe đẹp hơn”, ông Việt vui vẻ cho biết.

Được biết, nhiều năm gần đây, nhờ có chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, bà con các dân tộc kết hợp phát triển chăn nuôi đại gia súc với trồng cây gây rừng, đặc biệt là phát triển những đồi trúc nên bà con mới có sự đổi thay như ngày nay.

Một ngôi nhà ẩn khuất tận sâu trong rừng trúc.

Xác định trúc sào là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Huy Giáp tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trúc sào theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, 100% xóm trồng trúc sào, tập trung nhiều ở các xóm: Nặm Cốp, Lũng Cắm, Lũng Pán, Pác Trà…

Diện tích trúc sào hằng năm đều tăng, năm 2011, toàn xã có 650 ha, đến nay tăng lên 1.304 ha, trong đó 1.152 ha cho khai thác ổn định. Hằng năm, xã xuất bán khoảng 1.000 xe trúc sào, doanh thu bình quân trên 5 tỷ đồng/năm. Nhờ phát triển cây trúc sào theo hướng hàng hóa, năm 2017 thu nhập bình quân đạt 19 triệu đồng/người/năm, đến năm 2022 đạt 32 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 45% theo tiêu chí mới; đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên, nhiều hộ mua được ô tô vận chuyển nông, lâm sản. 100% xóm có đường ô tô đến trung tâm, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất và khai thác, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm trúc sào. Nhờ thế năm 2020 xã đã về đích nông thôn mới, tạo thêm niềm tin vào Đảng, chính sách của Nhà nước. 

Người dân xã Huy Giáp (Bảo Lạc) thu hoạch trúc sào và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Nhiều hộ có diện tích trồng trúc lớn, hằng năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng, tiêu biểu như các hộ: Đặng Quý Tấn, Chu Văn Trường, Đặng Phụ Tịnh, Hoàng Thị Hạnh, Bế Văn Thượng xóm Lũng Pán; Đặng Phụ Lìn, Hoàng Chàn Nần, Xiêm Lùng Kiêm, Hoàng Sành Phin xóm Nặm Cốp; Đặng Phụ Cản, Xiêm Mùi Phẩy ở xóm Pác Trà; Lầu A Tú xóm Lũng Cắm…

Anh Bế Văn Cương ở xóm Lũng Pán chia sẻ: Nhận thấy trồng trúc đem lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh diện tích có sẵn, gia đình tôi mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng trúc sào. Đến nay, gia đình tôi trồng gần 10 ha trúc sào, trong đó có hơn 50% diện tích cho khai thác đem lại thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng/năm.

Ngoài phát triển cây trúc, Đảng ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trồng các loại cây lấy gỗ để từng bước thay thế diện tích rừng kém hiệu quả. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa như: mận máu, lê xanh, lê vàng; triển khai mô hình nuôi lợn đen, lợn thương phẩm đem lại hiệu quả cao.

Gia đình anh Đặng Phụ Cán ở xóm Pắc Trà vừa trồng trúc sào kết hợp nuôi bò, lợn, vịt bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Ngô trên xứ đá

Sau hơn một ngày đi tìm hiểu, thứ cây trồng nhiều thứ hai ở đây có lẽ là cây ngô. Những nương ngô mải miết chạy dài, đuổi trên những mênh mông đá xám, bời bời xanh trên những hốc đất tằn tiện góp nhặt từ đá. Đá tua tủa trồi lên như măng mọc. Nhìn những nương ngô kiêu hãnh, vươn mình đứng vững trên những ngọn núi đá khiến ai nấy chúng tôi đều liên tưởng đến vùng cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang. Đá bủa vây khiến những con đường dẫn tới các thôn bản trở nên mảnh mai như những sợi chỉ, dài miên man, bất tận, len lỏi, luồn lách, và bí hiểm…

Cây ngô trên núi đá ở Huy Giáp.

Như mọi năm, thời điểm này, ngô đã râm ran phất cờ, vào bắp, có những cây mau hạt, bắp đã nhu nhú ở nách lá, như những búp măng giang mọc xiên… Nhưng năm nay, thì khác!

Từ đầu năm đến nay, cũng như các địa phương khác của tỉnh Cao Bằng, xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc chịu hạn nặng. Ở vùng núi, nhất là vùng cao nguyên đá khắc nghiệt, mọi kế hoạch đều rất dễ bị thay đổi, nhất là với cây ngô - thứ mà phải thuận thiên, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.

Bà con nông dân nơi đây cho biết, gần chục năm rồi mới có một năm khô hạn bất thường như thế này. Bà con nông dân không có nước để canh tác, vào vụ lúa mới rồi mà vẫn phải chờ ông trời đổ mưa, chờ nước. Ác cái, lại đúng lúc ngô đang độ ra hoa, thụ phấn. Nắng nóng như này, ngô chưa kịp thụ phấn đã bị nắng nóng làm hư hỏng. Cũng may “Vùng đá, ẩm và mát hơn, đất vì thế cũng bớt nóng”. Nhưng nếu thời tiết không có mưa thì cũng không biết đám ngô còn chịu được đến khi nào.

Đoàng! Chưa kịp dứt lời, tiếng sấm làm bà con giật bắn mình rồi lại hoan hô, phấn khởi trong niềm vui sướng, ai nấy đều ngước lên nhìn trời với vẻ mặt đầy kỳ vọng. Trời bắt đầu sầm sì lại, sau bao ngày nắng, cái nóng làm cho cây cối, hoa màu khô héo, xác xơ. Từ đầu năm đến giờ, bà con mới lại được thấy những đám mây đen ùn ùn kéo đến, trời nổi giông làm cho lá rụng lả tả. Những đám mây lớn, nặng bao phủ cả bầu trời.

Chúng tôi chào bà con, ai nấy bước vội lên xe khi những hạt mưa đầu tiên bắt đầu rơi xuống. Cuối cùng ông trời cũng đổ cơn mưa sau bao ngày nắng hạn. Mưa mỗi lúc một to, những hạt mưa nhảy nhót trên mái nhà lộp độp, lộp độp. Tia chớp nhỏ lóe sáng loằng ngoằng, xiên ngang, xiên chéo trên bầu trời xám xịt. Thế nhưng cơn mưa đến đột ngột và tạnh cũng bất ngờ. Mưa đang ào ạt, thưa dần rồi tạnh hẳn.

Mưa đến rồi cũng đi. Mây đen cũng nhường chỗ cho bầu trời ló rạng. Những tia nắng ấm áp, nhè nhẹ xiên xuống mặt đường. Cỏ cây được tắm gội sạch sẽ. Chim chóc từ đâu bay ra lại hót líu lo. Bà con ồ ạt xuống đồng.

Bà con nông dân tranh thủ xuống đồng sau trận mưa lớn.

Cơn mưa thoáng qua đem lại nước và cái mát dịu cho cây cối, con vật; Mưa cũng đem đến cho bà con nông dân niềm khao khát, hy vọng và cả những kỳ vọng sau đợt nắng hạn kéo dài vừa qua - dường như cơn mưa đem lại sức sống cho vạn vật!

Rời Huy Giáp, vui và hạnh phúc là điều lắng đọng trong mỗi chúng tôi, và niềm vui này đã lan tỏa trong đồng bào các dân tộc vùng trúc, vùng ngô mênh mông ở xã Huy Giáp nói riêng, huyện Bảo Lạc cũng như các địa phương khác của tỉnh Cao Bằng nói chung. Hy vọng nơi rẻo cao này mãi mãi xôn xao, mãi mãi lắng đọng hồn người.

 

 

Tạ Thành

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline