Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ hai, 25/07/2022 16:07
TMO - Trước tình trạng nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn đã và đang xuống cấp, tỉnh Đắk Lắk ưu tiên sử dụng ngân sách trung ương cấp để cải tạo, sửa chữa nâng cấp nhiều hạng mục, qua đó chủ động phương án sẵn sàng phòng chống, ứng phó với diễn biến thời tiết, thiên tai bất thường trong năm 2022.
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 785 công trình thủy lợi (đứng thứ 2 cả nước). Trong đó, có 610 hồ chứa (với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3 nước), 118 đập dâng và 57 trạm bơm và 2 hệ thống đê bao. Tổng chiều dài kênh mương các loại là hơn 2.400 km (đã kiên cố hóa được gần 1.600 km).
Mặc dù, là địa phương có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với khoảng 655.000 ha, tuy nhiên diện tích được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi ở Đắk Lắk đang chỉ đạt gần 23%. Do đó, nhu cầu đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình thủy lợi và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước ở Đắk Lắk rất lớn.
Nhiều công trình thủy lợi đặc biệt là các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, cần được nâng cấp để chủ động phòng chống thiên tai
Theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều công trình thủy lợi hư hỏng xuống cấp không đảm bảo năng lực thiết kế, việc đầu tư nâng cấp và xây dựng công trình thủy lợi trong những năm gần đây rất hạn chế trong khi nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân liên tục tăng gây ra tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng trong mùa khô.
Hệ thống thông báo, cảnh báo cho vùng hạ du các hồ chứa còn thiếu, nên việc truyền tải thông tin như lệnh vận hành hồ chứa nước từ cấp huyện đến người dân còn mất nhiều thời gian; cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; phương tiện, vật tư, năng lực cứu hộ, cứu nạn còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác tìm kiếm cứu nạn...
Theo thống kê, trong tổng số 610 hồ đập thủy lợi có nhiều công trình được đầu tư từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, hiện nay đã xuống cấp, năng lực tưới giảm, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Để bảo đảm an toàn cho công trình, người dân vùng hạ du, phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt và các ngành kinh tế khác, việc cấp bách cần làm là đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt đã hư hỏng, xuống cấp và xây dựng mới các công trình theo quy hoạch.
UBND tỉnh Đắk Lắk ưu tiên sử dụng các nguồn ngân sách từ Trung ương trong đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi. Ảnh: Minh Thông
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 đợt thiên tai (trong đó 4 trận dông sét, 2 đợt mưa lũ) làm hư hỏng 56 nhà dân, 5 điểm trường, một số công trình hạ tầng khác và gần 2.000 ha cây trồng các loại, ước tính thiệt hại gần 18,3 tỷ đồng.
Một số công trình bị hư hỏng nặng như: Hồ chứa nước thôn 7 (thị trần Ea Knốp, huyện Ea Kar), một số trường học, trung tâm y tế và đường giao thông trên địa bàn các huyện Ea Kar, Krông Búk, Buôn Đôn, Cư M’gar bị hư hỏng.
Từ thực tế trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025 từ nguồn đầu tư của Bộ, chương trình, dự án phòng chống thiên tai, các dự án ODA và các nguồn đầu tư khác.
Trước đó, năm 2014, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết số 141 về An toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để xem xét, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp.
Tuy nhiên, những năm qua do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên hiện nay mới đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 77/307 hồ đập, đạt tỷ lệ khoảng 25%. Hiện còn nhiều danh mục hồ đập trong Nghị quyết chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đặc biệt là các công trình hồ chứa có quy mô lớn, tình trạng hư hỏng cần phải sửa chữa gấp, đến thời điểm hiện nay có nhiều hồ đập tình trạng hư hỏng đã tăng thêm.
Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025 theo Nghị quyết về An toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh, Quy hoạch của tỉnh và Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, ưu tiên các công trình có quy mô lớn, tình trạng hư hỏng nặng cần phải sửa chữa gấp, với tổng kinh phí 25.602 tỷ đồng.
Dự án Hồ chứa nước Ea H’Leo 1, tỉnh Đắk Lắk được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư (giai đoạn 1). Ảnh: Thanh Tùng
Theo đề xuất của UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ địa phương 123 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 8 hồ chứa trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cục Thủy lợi đề nghị địa phương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên và chủ động bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa nâng cấp các công trình.
Cùng với việc chú trọng nâng cấp các công trình thủy lợi, trong công tác phòng chống thiên tai năm 2022, tỉnh Đắk Lắk còn tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó, phòng chống thiên tai. Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai theo quy định. Tổ chức kiểm tra, rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai, phương án phải được phổ biến đến cộng đồng.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng xung kích phòng chống thiên tai địa phương 184/184 xã triển khai rà soát các điểm có nguy cơ cao mất an toàn về lũ quét, sạt lở đất. Đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, có phương án đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ chính vụ, dừng thi công khi có mưa, lũ lớn, nhất là các hồ chứa nhỏ. Tổ chức diễn tập để nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ.
Tuấn Minh
Bình luận