Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Thứ bảy, 09/12/2023 07:12
TMO - Thuốc bảo vệ thực vật là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, chất lượng nông sản. Do vậy, để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn nhà nông tuân thủ đúng các nguyên tắc kỹ thuật.
Thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng chính là phòng, trừ sâu bệnh gây hại, giúp tăng năng suất, sản lượng, bảo quản nông sản. Theo ước tính của tổ chức FAO, tổn thất mùa màng do các loài sinh vật hại cây trồng gây ra trên toàn Thế giới hiện nay là khoảng 40%. Như vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra khoảng 35-42%. Trên thế giới và ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn được sử dụng như là một trong những biện pháp để phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng trong nông nghiệp và đạt hiệu quả kinh tế nhất.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản lượng phân bón hữu cơ được sản xuất tại Việt Nam còn quá nhỏ so với yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Ước tính, mỗi năm ngành trồng trọt nước ta sử dụng gần 12 triệu tấn phân bón hóa học các loại thì phải cần đến 36 triệu tấn phân bón hữu cơ các loại. Do vậy, để có thể đáp ứng được nhu cầu phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam thì cần phải có chiến lược và sách lược cho tiến độ sản xuất và cung ứng đầy đủ các chủng loại và sản lượng.
Để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn nhà nông tuân thủ đúng các nguyên tắc kỹ thuật (Ảnh minh họa).
Ở nhiều địa phương hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách, đúng lúc) mà phần lớn chỉ mới chú trọng đến vấn đề công dụng của thuốc. Việc lạm dụng các chất này để phục vụ cho các mục tiêu lợi nhuận hay cạnh tranh không lành mạnh đã và đang gây ra rất nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng và không đáp ứng được các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng Việt khi xuất khẩu. Nhiều container sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi vượt ngưỡng an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đã bị trả về.
Theo đánh giá của Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), không thể phủ nhận, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những yếu tố gây mất ổn định môi trường. Nguyên nhân là do khi nhận thấy ưu điểm của thuốc bảo vệ thực vật, người nông dân từ thăm dò sử dụng, đến ỷ lại, lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua mọi biện pháp bảo vệ thực vật khác. Do lạm dụng, thiếu kiểm soát, dùng sai kỹ thuật, nhiều mặt tiêu cực của thuốc bảo vệ thực vật đã bộc lộ như gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật; gây mất sự cân bằng trong tự nhiên…
Để nông nghiệp phát triển bền vững, việc quan trọng nhất là làm thế nào để tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng kỹ thuật để phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, vật nuôi và môi trường. Hiểu được điều này, thời gian qua, Hiệp hội và doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật đã đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng và nông dân hiểu rõ về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật cũng như đẩy mạnh các hoạt động tập huấn thường xuyên cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức từ cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng cũng như có giải pháp bảo vệ tốt các mặt hàng nông sản một cách khoa học và tuân thủ các quy định của ngành nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, Cục Bảo vệ thực vật, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các siêu thị, chợ đầu mối… cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu cũng như đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ các quy định của ngành nông nghiệp, an toàn thực phẩm…
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức từ cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: BND.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, hoạt động sản xuất nông nghiệp phải phát triển theo chuỗi liên kết, hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn... và phải sử dụng hài hòa giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học, phải gia tăng sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ưu tiên bố trí kinh phí, ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tập huấn sử dụng thuốc, truyền thông và xây dựng, nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả…
Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản lượng phân bón hữu cơ được sản xuất tại Việt Nam còn quá nhỏ so với yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Do vậy, để có thể đáp ứng được nhu cầu phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam thì cần phải có chiến lược và sách lược cho tiến độ sản xuất và cung ứng đầy đủ các chủng loại và sản lượng. Chính phủ cần sớm có nghị định và chính sách mang tính đột phá dành cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các bếp ăn tập thể, căng-tin, các nhà hàng, trường học… tăng cường sử dụng nông sản, thực phẩm, rau-quả hữu cơ. Nếu cần thiết có thể trợ giá thêm cho nông sản hữu cơ giống như một số quốc gia khác đã làm. Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì cần phải có quy hoạch vùng, ranh giới cho các vùng nông nghiệp hữu cơ để tránh nhiễm bẩn chéo từ các khu sản xuất nông nghiệp truyền thống và ô nhiễm bởi các nhà máy sản xuất công nghiệp.
Việt Nam cần sớm có một hệ thống chứng nhận nông sản hữu cơ có tính pháp lý cao, uy tín và đáng tin cậy, được quốc tế chấp nhận. Đồng thời, tham gia làm thành viên các tổ chức, hệ thống, mạng lưới quốc tế về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc xuất khẩu nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, các cơ quan báo chí, truyền thông từ trung ương tới địa phương cần thông tin, tuyên truyền đúng, kịp thời cho mọi người dân biết về nông nghiệp hữu cơ.
Thanh Tùng
Bình luận