Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ tư, 27/07/2022 13:07
TMO - Nhằm đẩy mạnh các biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, ngày 27/7 tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV)/ Tổ chức Action Aid tổ chức Hội thảo tham vấn cấp vùng “Hướng dẫn Lồng ghép Quản lý rủi ro thiên tai Dựa vào cộng đồng vào Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội của địa phương.
Theo bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong những năm qua, nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai được ban hành, mục tiêu cuối cùng của các văn bản pháp lý này là nhằm định hướng và hỗ trợ các địa phương đạt được phát triển kinh tế xã hội bền vững dựa trên tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai nói chung và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH).
Bà Đoàn Thị Tuyết Nga – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng chống thiên tai.
Hoạt động lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương được kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích vực và bền vững cho cộng đồng, nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai và xây dựng cuộc sống an toàn hơn.
Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai” giai đoạn 2” do Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Tổ chức Action Aid và Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp triển khai. Dự án đã và đang triển khai hoạt động đánh giá rủi ro thiên tai, tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng ứng phó của cộng đồng để đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp và hỗ trợ địa phương lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Với mục tiêu hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hiệu quả có lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai và Action Aid đã huy động nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Bà Mai Thị Thanh Nhàn, đại diện của AFV/Action Aid chia sẻ về dự án xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai
Trong đó, quy trình lồng ghép được thực hiện ở cấp xã, huyện, tỉnh với những nội dung và trách nhiệm thực hiện được quy định cụ thể với những lưu ý như: Lồng ghép cả trong xây dựng, tăng cường năng lực cán bộ địa phương và các bên liên quan.
Lồng ghép trong huy động và phân bổ nguồn lực, gồm cả các nguồn lực vật chất và phi vật chất cho ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển; Đảm bảo yếu tố Giới và vai trò của các nhóm dễ bị tổn thương; Tham khảo Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh của Tổng cục Phòng chống thiên tai ban hành để thực hiện cho giai đoạn 2021-2025.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã tìm hiểu rõ mục tiêu, phương pháp, quy trình lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo cấp vùng để các bên liên quan tham gia góp ý để đánh giá tính khả thi áp dụng, góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương.
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong năm trung tâm bão của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cùng với vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, địa chất và các điều kiện tự nhiên khác, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo liên quan đến biến đổi khí hậu là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng người dân.
Hội thảo tìm hiểu rõ mục tiêu, phương pháp, quy trình lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Biến đổi khí hậu tiếp tục làm gia tăng tần suất và cường độ của các loại thiên tai gây ảnh hưởng mọi mặt đến đời sống và sự phát triển kinh tế xã hội, trong đó đặc biệt làm gián đoạn sản xuất và các dịch vụ quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của hàng triệu người, đặc biệt là nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương, làm suy giảm sức chống chịu của toàn xã hội.
Thu Trang
Bình luận