Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 15:01
Thứ hai, 23/10/2023 07:10
TMO - Thời gian gần đây, các thành phố, thị xã ở khu vực Nam Trung Bộ đối mặt với nhiều hiện tượng cực đoan của thiên nhiên. Biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến việc phát triển hệ thống đô thị ven biển. Vì vậy, công tác quản trị rủi ro, phòng chống thiên tai tại các đô thị ven biển là vấn đề cấp bách, cần được quan tâm.
Các đô thị trong cụm Nam Trung Bộ đang triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của các địa phương là tập trung đẩy mạnh quy hoạch, phát triển đô thị. Tuy nhiên, mưa với mật độ lớn trong thời gian ngắn, dọc theo các con sông liên tục xảy ra sạt lở, lũ lụt với cường độ ngày càng khốc liệt…đang là thách thức không nhỏ đối với tiến trình phát triển đô thị ven biển ở miền Trung.
Theo thống kê của Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), từ năm 2015 - 2020, bờ biển thành phố Đà Nẵng có 12 điểm sạt lở với tổng chiều dài 8,47 km. Tình trạng sạt lở bờ biển tại đây thường diễn ra vào những thời điểm có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới. Tại Quảng Nam, trong 10 năm trở lại đây, bờ biển cửa Đại ở TP.Hội An liên tiếp bị xâm thực, sạt lở. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều công trình, giải pháp ngăn sạt lở nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Tình trạng sạt lở bờ biển tại đô thị ven biển như Quảng Nam đòi hỏi địa phương này cần có giải pháp quản trị rủi ro và nâng cao năng lực ứng phó. Ảnh: TC.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng sạt lở bờ biển cũng đang ở mức báo động. Tốc độ sạt lở bờ biển bình quân từ 5 - 10 m/năm, có những vùng lên đến hơn 30 m/năm. Tổng chiều dài đoạn sạt lở hơn 29 km. Còn lại, toàn bộ đường bờ biển đều có nguy cơ sạt lở, tùy theo diễn biến mưa và dòng chảy tại các khu vực. Các đô thị ven biển ở Nam Trung Bộ cứ mưa là ngập nước. Gần nhất, đợt mưa từ ngày 7 - 20/10, có nơi lượng mưa đo được cao nhất là từ 600 - gần 800 mm và các thành phố trong vùng là Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế… ngập trong nước.
Theo chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu, trong khoảng 10 năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu làm gia tăng những hình thái thiên tai cực đoan. Trong đó, có thay đổi các quy luật về mưa, tăng các đợt mưa cực đoan, nhiều nhất là 5 năm gần đây. Có nơi, một đợt mưa đo được từ 1.000 - 1.200 mm, bằng lượng mưa cả năm của một địa phương. Đây là tác động của sự biến đổi khí hậu, ngay các đô thị dù có hệ thống thoát nước cũng không tránh khỏi việc ngập lũ lụt.
Các đô thị nhất là những đô thị ven biển đang bị tổn thương hầu hết đều gia tăng về hạ tầng, kể cả hạ tầng ứng phó. Tuy nhiên, tính hiệu quả các công trình, nhất là hạ tầng ứng phó với thiên tai chưa hiệu quả như kỳ vọng. Trong đó, quỹ đất dành cho thoát lũ, trữ nước khi có mưa lớn dần hạn chế. Trong khi đó, hệ thống thoát nước đô thị tại một số nơi chưa hoàn thiện.
Viện Quy hoạch miền Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt, sạt lở... ở các đô thị miền Trung. Trong đó, việc quy hoạch chưa phù hợp, công tác quản lý trật tự xây dựng còn những bất cập. Đồng thời, việc triển khai xây dựng các công trình, dự án để chống ngập, chống sạt lở… nhưng tính hiệu quả chưa cao. Hiện tại các đô thị ven biển có sông lớn đi qua, đa phần các địa phương đều xây dựng bờ kè kiên cố. Phía bên trên đỉnh kè là hệ thống đường giao thông và lùi vào bên trong chỉ giới giao thông là nhà dân áp sát ra. Việc xây dựng kè và các công trình hạ tầng khác ngay bên cạnh, lưu vực sông bị bó hẹp lại, một khi mực nước từ thượng nguồn đổ về lớn, nước không thoát ra biển kịp thì dâng lên tràn vào các khu dân cư gây ra ngập lụt
Quảng Ngãi đã lồng ghép giải pháp ứng phó tác động của biến đổi khí hậu vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: PA.
Để hạn chế ngập các đô thị ven sông, biển, cần kiểm soát được tình trạng nước thượng nguồn chảy về mạnh mà không có sự che chắn (như hồ đập, rừng cây tự nhiên…). Nếu làm kè, hồ… phía trên đầu vùng thượng nguồn sẽ giảm nhịp độ nước chảy và hạn chế ngập ở đô thị ven sông, biển. Bên cạnh đó, việc đưa ra bản đồ quản trị rủi ro về ngập lụt rất quan trọng, nơi nào bị ngập thì không cho phát triển đô thị. Đồng thời các địa phương này cần lồng ghép các giải pháp ứng phó tác động biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị.
Đáng chú ý, trong quy hoạch không gian đô thị, cần xem xét, ưu tiên không gian dành cho tái định cư để ứng phó với tình trạng các đợt mưa lớn xảy ra nhiều hơn và lượng mưa ngày càng tăng cao gây ra các trận lũ quét, xói mòn, ảnh hưởng đến nhà ở, công trình công cộng. Quy hoạch, thiết kế không gian cây xanh, không gian công cộng linh hoạt để thích ứng với thời tiết ngày càng khô nóng, thời gian nắng nóng kéo dài.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, trong bối cảnh thời tiết cực đoan, nhất thiết cần xây dựng phương án thích ứng thay vì "chống". Trong đó, xây dựng các mô hình cảnh báo thiên tai thông qua các app hoặc các trang web cập nhật thông tin liên tục từng vị trí, tuyến đường cụ thể đang ngập sâu, đang kẹt xe, đang có hỏa hoạn… để người tham gia giao thông né tránh nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại.
Địa phương này đã lồng ghép giải pháp ứng phó tác động của biến đổi khí hậu vào quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã phân vùng rủi ro đối với từng loại hình thiên tai để định hướng giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, tỉnh đã phân vùng rủi ro đối với từng loại hình thiên tai để định hướng giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung xây dựng, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước tại các khu vực đô thị, khu vực dân cư hạ lưu sông Trà Khúc. Đối với các đô thị mới hình thành, thực hiện tách hệ thống tiêu thoát nước thải với hệ thống tiêu thoát nước mưa và xử lý trước khi tiêu ra kênh, ra sông, đặc biệt tại các khu vực thượng lưu của đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.
Bích Hà
Bình luận