Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 00:01
Thứ ba, 04/06/2024 14:06
TMO – Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải đăng ký hoặc phải có giấy phép khẩn trương thực hiện thủ tục đăng ký hoặc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Theo văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để triển khai Luật Tài nguyên nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật. Các văn bản quy phạm pháp luật này có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 01/7/2024.
Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chính quyền các địa phương cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan, huyện, xã tập trung nghiên cứu, quán triệt, tập huấn và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông hoặc các hình thức phù hợp khác, trong đó tập trung phổ biến đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Luật, 2 Nghị định và 3 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật.
(Ảnh minh họa)
Chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định 53/2024/NĐ-CP, Nghị định 54/2024/NĐ-CP, các Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong đó lưu ý đến các quy định liên quan đến vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; điều hoà, phân phối tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra, cấp, gia hạn, điều chỉnh… giấy phép về tài nguyên nước; phân vùng chức năng nguồn nước mặt; xác định, tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xác định, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu; bảo vệ nước dưới đất…
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải đăng ký hoặc phải có giấy phép khẩn trương thực hiện thủ tục đăng ký hoặc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật; Chỉ đạo rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được cấp giấy phép thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mà chưa nộp hồ sơ kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khẩn trương thực hiện nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách Nhà nước.
Chỉ đạo chính quyền cấp huyện xác nhận đăng ký khai thác nước dưới đất; cấp xã tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 54/2024/NĐ-CP. Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện, nguồn lực, điều kiện thực tế và tình hình cụ thể, quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương…/.
PHẠM DUNG
Bình luận