Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 23:11
Thứ hai, 27/06/2022 16:06
TMO - Trước diễn biến bất thường của tình hình thời tiết, đặc biệt sự gia tăng của thiên tai cực đoan, tỉnh Kiên Giang đang chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, địa phương này đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, các khu tái định cư thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng các trường học kết hợp làm nơi tránh trú bão.
Tại báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Kiên Giang chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp kết hợp với nền nhiệt độ cao nên tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kèm theo lốc sét đã làm 2 người thiệt mạng, 2 người bị thương, 26 căn nhà bị sập, 76 căn tốc mái. Ước tính tổng thiệt hại vật chất là khoảng 1,54 tỷ đồng.
Trong những tháng đầu năm, mưa lớn kèo theo lốc sét đã khiến nhiều căn nhà bị sập, tốc mái hư hỏng nặng
Ngoài ra trong tháng 5/2022, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh,làm sóng biển dâng cao đã làm dứt đoạn đê với chiều dài 30m, chiều rộng 25m đoạn từ Vàm Kim Quy hướng về Cống Mương Đào thuộc địa bàn xã Vân Khánh, huyện An Minh, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 500ha diện tích sản xuất và 150 hộ dân.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, từ tháng 7 đến tháng 12/2022, bão trên biển Đông có xu hướng hoạt động sớm với tổng số lượng là từ 10-12 cơn, trong đó có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan... Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nguồn lực nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại.
Tỉnh Kiêng Giang chú trọng đến công tác hoàn thiện, nâng cao hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai và liên quan đến phòng, chống thiên tai, nhất là một số loại hình thiên tai chủ yếu thường xảy ra trong thời gian gần đây và có khả năng xảy ra trong thời gian tới như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, sạt ở đất, sạt lở bờ sông và bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn...
Tình trạng sạt lở trong những năm gần đây tại tỉnh Kiên Giang ngày càng nghiêm trọng
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế-xã hội, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đối với công trình phòng, chống thiên tai, tỉnh đầu tư, nâng cấp các khu tái định cư thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng các trường học kết hợp làm nơi tránh trú bão.
Địa phương này cũng tăng cường rà soát đầu tư, thực hiện cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, hệ thống thủy lợi ngăn mặn và giữ ngọt, chống khô hạn, phát triển sinh kế phục vụ theo từng vùng sản xuất, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt; xây dựng, nâng cấp các công trình đo đạc, giám sát, cảnh báo sớm thiên tai.
Tỉnh Kiên Giang đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong phòng chống thiên tai. Ảnh: Nguyễn Phương
Đồng thời, nâng cao cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí thượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh; tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức phòng, chống thiên tai cho cộng đồng; tổ chức điều tra cơ bản về phòng, chống thiên tai, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai trên địa bàn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang tập trung nguồn lực hơn 1.220 tỷ đồng thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
Kiên Giang chú trọng đầu tư các dự án kè đê sông, đê biển nhằm giảm thiểu những thiệt hại từ xói lở
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trước đó UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nhằm thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh đã phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư 55 dự án, phân theo nhóm và lĩnh vực. Lĩnh vực giao thông có 14 dự án, nông nghiệp và thủy lợi 15 dự án, cấp nước 20 dự án, thoát nước 2 dự án, xử lý nước thải 3 dự án, xử lý chất thải rắn 1 dự án.
Lê Hải
Bình luận