Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 09:11
Thứ năm, 24/02/2022 15:02
TMO - Miền Trung và Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế- xã hội. Việc tìm giải pháp giúp các khu vực này giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là nội dung quan trọng đang được Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đặc biệt quan tâm.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, theo thống kê trong 40 năm gần đây, trong tổng số 374 cơn bão hoạt động trên biển Đông, có 148 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó 94 cơn đổ bộ vào khu vực miền Trung (chiếm trên 64%) tập trung trong các tháng 9-11.
Đặc biệt, trong 2 tháng từ 15/9 đến 15/11/2020, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 1 áp thấp nhiệt đới đạt mức kỷ lục. Trong đó, cơn bão số 9 (Molave) mạnh nhất trong 20 năm qua đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Bão đã làm 23 người chết và mất tích, 177.524 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 1.373 cột điện bị gãy đổ và nhiều cơ sở hạ tầng khác bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do bão, mưa lũ trên 36.000 tỷ đồng.
Bão lũ gây ra những thiệt hại nặng nề tại khu vực duyên hải miền Trung
Bên cạnh đó, sạt lở đất, lũ quét là loại hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại khu vực miền núi phía tây các tỉnh miền Trung. Điển hình như năm 2020, sạt lở đất ngày 12/10 vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế làm 17 công nhân bị mất tích. Sạt lở đất tại các huyện Nam Trà My và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam sau bão số 9 (ngày 28/10) làm 47 người chết, mất tích.
Về hạn hán, xâm nhập mặn, duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, gây thiệt hại lớn về sản xuất; trong đó khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận với lượng mưa trung bình 800-900mm/năm thấp nhất cả nước thường xuyên xảy ra hạn hán.
Sạt lở nghiêm trọng tại bờ biển Mỹ Khê, tỉnh Quảng Ngãi
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực này diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng, trung bình 5-10m/năm, có những nơi tới 25m/năm; hiện tồn tại 88 vị trí với tổng chiều dài 129 km sạt lở nghiêm trọng, một số vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm như khu vực Tam Hải, Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế, Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam,....
Đối với khu vực Tây Nguyên, đây là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như: Mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới. Trong đó hạn hán, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là các loại hình thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại lớn cho khu vực.
Mưa lũ tại khu vực Tây Nguyên kéo theo sạt lở đất, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người
Những trận thiên tai lớn điển hình ở Tây Nguyên trong 20 năm qua, bao gồm: Mưa lớn sau bão số 9 (Ketsana) năm 2009 gây lũ lịch sử trên sông Đakbla, tỉnh Kon Tum làm 56 người chết, 10.000 nhà bị tốc mái, hư hại; tổng thiệt hại vật chất trên 400 tỷ đồng. Từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016, hạn hán đã xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại 05 tỉnh Tây Nguyên, làm 1.150 ha rừng sản xuất, 140.606 ha cây công nghiệp, 17.541 ha lúa bị thiệt hại, 72.060 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; tổng thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại năng nề từ thiên tai gây ra tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã triển khai nhiều giải pháp cũng như tổ chức các hội nghị để bàn về giải pháp nâng cao năng lực phòng chống thiên tai tại các khu vực này, trong đó Ban chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh đến công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Công tác dự báo khí tượng thủy văn tại các địa phương cần thông báo chi tiết, kịp thời về tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo thời tiết để người dân chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai kết hợp với chính quyền địa phương.
Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tiếp tục nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, sạt lở đất; hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã. Các địa phương triển khai hệ thống quan trắc giám át chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Các địa phương cần tăng cường rà soát sửa đổi các quy định trong quy trình liên hồ, quy trình đơn hồ để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay, nhất là công tác thông tin, phối hợp trong xả lũ. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh chỉ đạo tổ chức tính toán phục vụ tham mưu điều hành, nhất là các liên hồ chứa.
Các tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều nhằm chủ động phòng chống với tình hình mưa bão, sạt lở
Về đê điều và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, các tỉnh cần tiếp tục đầu tư, củng cố hệ thống đê sông, đê cửa sông đảm bảo phòng, chống lũ triệt để ứng với tần suất chống lũ đã quy định. Quản lý, bảo vệ các khu vực cồn cát được xác định làm nhiệm vụ đê biển. Xây dựng lực lượng quản lý, cơ chế và thực hiện duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư, nhất là các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Về đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến thoát lũ, các cơ quan khoa cần hỗ trợ các địa phương nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp thoát lũ cho các khu vực trọng điểm thường xuyên ngập sâu trên các lưu vực sông.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương cần tập trung nguồn lực nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo; cũng như nâng cao chất lượng, khả năng phòng chống thiên tai, bảo vệ hệ thống hồ chứa, đê điều, công trình hạ tầng gây cản lũ; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thu Trang
Bình luận