Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 12:01
Thứ tư, 18/05/2022 21:05
TMO - Những năm trở lại đây, thiên tai với diễn biến bất thường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại tỉnh Sơn La. Với tinh thần chủ động, quyết tâm giảm thiểu tối đa những thiệt hại, địa phương này đã lên kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với mùa mưa bão năm 2022.
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Sơn La thiên tai đã làm 4 người chết 1 người bị thương; 2.709 ngôi nhà bị thiệt hại; sạt lở 13.557m đường giao thông; sụt lở sa bồi trên 309.000 m3, hư hỏng 166 cầu, cống giao thông; 16 điểm trường học bị thiệt hại; 231 cột điện bị nghiêng, gẫy đổ. Giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính trên 193 tỷ đồng. Báo cáo của UBND tỉnh Sơn La cho thấy, riêng trong 4 tháng đầu năm 2022, thiên tai đã làm 2 người chết, 1 người bị thương… thiệt hại về vật chất ước tính gần 34 tỷ đồng.
Sơn La là một trong những địa phương thuộc khu vực vùng núi phía Bắc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai
Trước dự báo về tình hình mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai trong năm 2022, tỉnh Sơn La mới đây đã ban hành quy định cụ thể về đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu đẩy nhanh công tác thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để triển khai các nhiệm vụ về phòng chống thiên tai. Chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện nhu yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ và tổ chức diễn tập phù hợp với phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt.
Sở NN&PTNT, Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng phương án giằng néo kèo cột, che chắn và chống tốc mái cho các nhà xưởng, nhà làm việc, nhà ở của công nhân nội trú. Khơi thông cống thoát nước nhằm tránh để xảy ra tình trạng ngập cục bộ. Các nhà máy phát điện dự phòng duy trì làm việc để chủ động cung cấp điện trong tình huống bất khả kháng do thiên tai gây ra.
Tăng cường kiểm tra, rà soát mức độ an toàn tại các khu vực khai thác, bãi thải, bồi lắng, hồ chứa chất thải. Đánh giá mức độ an toàn của đê đập, bờ bao hồ hồ chứa bùn thải. Rà soát, bổ sung thiết kế khả năng chịu tải của đê, đập, bờ bao và nhanh chóng xử lý khắc phục tình trạng sụt lún, thấm, sạt lở bờ đê.
Tỉnh Sơn La yêu cầu các đơn vị khai thác thủy lợi đảm bảo an toàn hồ chứa, đê điều, bờ bao trước mùa mưa lũ
Hiện trên địa bàn Sơn La có hơn 2.800 công trình thủy lợi; trong đó, có 105 hồ chứa và 132 đập dâng. Qua kiểm tra đánh giá của cơ quan chức năng, Sơn La có 19 hồ chứa bị xung yếu hoặc bị phù sa bồi lấp. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng tất cả các công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn nhằm phát hiện các hạng mục hư hỏng, xuống cấp.
Từ đó, phân bổ, ưu tiên kinh phí để tổ chức sửa chữa khắc phục đảm bảo an toàn cho các công trình; đồng thời, chú trọng xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa, thủy lợi nhằm phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Trong mùa mưa lũ, ngành Giao thông Vận tải Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp bảo dưỡng thường xuyên, duy trì trực 24/7, tuần tra kiểm soát các tuyến đường, duy trì chế độ báo cáo hàng ngày, tập trung khắc phục hậu quả lũ bão trên các tuyến, đảm bảo giao thông kịp thời, không để xảy ra ách tắc kéo dài.
Đối với các khu vực xung yếu, Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng khắc phục, đảm bảo thông suốt giao thông
Đối với các vị trí xung yếu, Ban quản lý bảo trì đường bộ Sơn La kịp thời xuống hiện trường, kiểm tra xác minh thiệt hại, phối hợp với đơn vị quản lý thường xuyên chủ động phân luồng rào chắn chăng dây ở vị trí sụt trượt, đồng thời cắm biển báo sạt lở ở 2 đầu cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, đồng thời triển khai khắc phục sự cố.
Hải Long
Bình luận