Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 09:01
Thứ tư, 14/06/2023 07:06
TMO - Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh; cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo sự gia tăng về lượng chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Việc phát triển, áp dụng những mô hình, công nghệ hiện đại trong xử lí, phân loại, tái chế rác thải sẽ mang đến những hiệu quả tối ưu, góp phần bảo vệ môi trường sống của con người.
Theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị 3 chiếm 60%; chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cũng là một con số khá lớn, nhưng đáng chú ý hơn cả là tỷ lệ thu gom và tỷ lệ xử lý loại chất thải này vẫn chưa đạt 100%.
Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16%/năm. Về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay, có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí metan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính. Trước những khó khăn, thách thức này, thiết nghĩ, các giải pháp như phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải,… cần được tăng cường áp dụng.
Đẩy mạnh phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt góp phần nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý nguồn thải này.
Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Hiện nay, Việt Nam có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyển sản xuất phân compost tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Về tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, hiện nay khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bãi thải từ các cơ sở chế biến phân compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt). Ngoài ra, khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.
Đưa ra giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhiều ý kiến cho rằng cần khuyến khích tái chế và tái sử dụng, xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải và thúc đẩy việc tái chế và tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tái chế…Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hóa quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch.
Ngoài ra, cần khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt, như biogas từ quá trình phân hủy sinh học, để sản xuất điện và nhiệt. Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch và giảm khí thải nhà kính. Thúc đẩy kinh doanh xanh, khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp và dự án kinh doanh xanh liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kinh tế tuần hoàn. Điều này bao gồm các ngành công nghiệp tái chế, công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm từ chất thải, và các dịch vụ quản lý chất thải.
GS.TS. Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam, đó là: Duy trì và cải tiến hoạt động thẩm định công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt của các dự án đầu tư; hoàn thiện tài liệu hướng dẫn thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt về đánh giá cơ sở khoa học, yêu cầu về trình độ tiên tiến của công nghệ, thiết bị nhập khẩu hay tự thiết kế, chế tạo trong nước; chú ý đánh giá tính khả thi, bền vững của công nghệ được đề xuất cho dự án đầu tư, lưu ý những sai sót có thể dẫn đến những hậu quả về môi trường.
Việc thiết kế, tính toán về công nghệ cần chú ý tính toán phương án xử lý sự cố môi trường xấy nhất và sức chịu tải của môi trường; duy trì và phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc rà soát đánh giá toàn diện các công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt mới áp dụng tại Việt Nam để có cơ sở khoa học và thực tiễn khuyến khích áp dụng công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam; chú ý tiêu chuẩn lựa chọn chuyên gia đánh giá công nghệ; hướng dẫn địa phương lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam; chi phí về đầu tư và và duy trì công nghệ phù hợp khả năng của Việt Nam.
Để chất thải rắn sinh hoạt có thể trở thành nguồn tài nguyên tái sử dụng thì việc đầu tư khoa học công nghệ trong dây chuyền xử lý chất thải là yêu cầu quan trọng.
Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng xu thế hiện nay trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt là tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ chất thải nhằm tối ưu hóa quá trình tái chế, giảm thiểu sự lãng phí và bảo vệ môi trường. Do đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm cấp quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với Việt Nam; ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn liền với các dự án đầu tư, nghiên cứu nhiệm vụ khoa học, công nghệ có quy mô lớn; cần bổ sung đầy đủ chính sách về đơn giá xử lý rác/mua điện từ dự án điện rác cho từng loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ/giảm lãi suất.
Lựa chọn và áp dụng các công nghệ phù hợp, đảm bảo tính bền vững và tạo ra hiệu quả tốt nhất trong việc xử lý rác thải. Việc xử lý rác thải cần được tiếp cận một cách bài bản và hiệu quả để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn và khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế. Điều này giúp giảm lượng rác thải đi vào bãi rác và tận dụng tối đa tài nguyên có được từ rác thải; đồng thời, cần xây dựng hệ thống hạ tầng tái chế hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào hoạt động tái chế.
Chính phủ và các tổ chức có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý rác thải sáng tạo. Cần khuyến khích sự đổi mới và đầu tư vào các dự án nghiên cứu về công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, gồm cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of Things) và các công nghệ thông tin khác để giải quyết vấn đề này một cách thông minh và hiệu quả.
Để thực sự có thể biến rác thải thành tài nguyên, cần tiến hành các giải pháp tổng thể. Cụ thể, trước hết, Việt Nam cần có "Bản đồ quy hoạch Điểm xử lý rác thải" phù hợp. Việc quy hoạch phải được xem xét kỹ lưỡng, nhất quán, hạn chế thay đổi trong thời gian ngắn (10-20 năm); cố gắng đạt sự ổn định tối thiểu trong vòng 30-50 năm. Đối với các điểm xử lý rác thải sinh hoạt có công suất 50-200 tấn/ngày, nên áp dụng công nghệ đốt và tái chế theo nguyên tắc tái chế, tái sử dụng tối đa lượng rác hữu ích có thể phân loại. Thành phần không thể tái sử dụng sẽ được đốt trong lò đốt công nghệ cao để tiêu hủy, giảm ô nhiễm. Đối với các điểm xử lý có công suất từ 200 tấn/ngày trở lên, nên áp dụng công nghệ đốt, tái chế và phát điện.
Thực tế cho thấy, rác thải không phải là “thứ bỏ đi”, trên thế giới và nhiều địa phương ở nước ta đã có các nhà máy, cơ sở sản xuất chuyên “biến” rác thải thành phân bón phục vụ hữu ích cho sản xuất nông nghiệp hay nhựa tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, sản xuất ra nguồn năng lượng hữu ích cho cuộc sống. Do đó, trước tiên mọi người phải có ý thức, xem rác thải là một nguồn tài nguyên có giá trị và phải biết, khai thác sử dụng hợp lý.
Thu Hường
Bình luận