Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 20:01
Thứ hai, 24/06/2024 14:06
TMO - Đến năm 2030, tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh cơ sở dữ liệu kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam.
Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của WTO và cam kết SPS trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do. Đề án đặt mục tiêu nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do trong thương mại nông, lâm, thủy sản và thực phẩm quốc tế; nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất, nhập khẩu; tận dụng tối đa cơ hội đầu tư của thành viên WTO và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 tỷ lệ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản hài hoà tiêu chuẩn quốc tế đạt 70%; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ; 80% các mặt hàng và thị trường trọng điểm tương ứng được xây dựng cẩm nang hướng dẫn tuân thủ các biện pháp SPS; 100% các địa phương kiện toàn đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường; hoàn thành Cổng thông tin quốc gia về SPS, kết nối và chia sẻ thông tin về các biện pháp SPS của thị trường giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam.
(Ảnh minh họa)
Đến năm 2030, tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%; đẩy mạnh cơ sở dữ liệu kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
Ngoài mục tiêu, Đề án cũng đưa ra một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, sẽ tập trung nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về SPS, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm; tăng cường năng lực phân tích và đánh giá rủi ro đối với các mối nguy mất an toàn thực phẩm, sinh vật gây hại và dịch bệnh; hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế về SPS; kiện toàn hệ thống SPS của Việt Nam...
Kiện toàn cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam; nâng cao năng lực cho các điểm hỗ trợ kỹ thuật của Văn phòng SPS Việt Nam tại các bộ, ngành. Phát triển các điểm hỏi đáp SPS và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội tại địa phương.
Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng cơ chế công bố phân vùng địa lý khi xác định nguy cơ dịch bệnh và đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp với các tình huống dịch bệnh trên người, dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Xây dựng cơ chế công bố phân vùng địa lý khi xác định nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dịch bệnh và đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp với các tình huống mất an toàn thực phẩm, sự bùng phát của sâu hại và dịch bệnh trên động vật và thực vật đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu và xuất khẩu.
Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm; đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đối với sản phẩm nông nghiệp; tham gia đánh giá rủi ro các đối tượng sinh vật thuộc phạm vi phụ trách. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm.
THANH BÌNH
Bình luận