Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ hai, 30/10/2023 14:10
TMO - Phân loại rác tại nguồn không chỉ giảm lượng rác thải, tiết kiệm chi phí xử lý mà còn góp phần thay đổi thói quen, nhận thức của người dân, cộng đồng trong công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Thông tin từ Sở TN&MT Đồng Nai, toàn tỉnh phát sinh hơn 2,1 nghìn tấn rác sinh hoạt/ngày. Trong đó, từ các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân khoảng 1,9 nghìn tấn; còn lại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Năm 2009, tỉnh bắt đầu thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 4 phường ở TP.Biên Hòa. Chương trình dần được mở rộng thêm nhiều phường, xã tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Năm 2016, trên cơ sở đánh giá kết quả, tồn tại cần khắc phục, UBND tỉnh phê duyệt đề án tổng thể Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Kết quả đánh giá cuối năm 2019 cho thấy, hoạt động PLRTN vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trước thực trạng trên, năm 2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại rác tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sau phân loại. Ngay sau đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch, các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện chỉ thị trên trên phạm vi toàn tỉnh. Thống kê đến hết năm 2022, cả tỉnh có 43% hộ dân thực hiện và tỷ lệ rác được phân loại tại nguồn là 21%.
Theo đánh giá của ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động phân loại rác thải tại nguồn còn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Trong đó, công tác chỉ đạo, triển khai và hoạt động truyền thông về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa thật hiệu quả; các địa phương thiếu sự đôn đốc, quyết liệt và nghiêm túc khi chưa xem hoạt động phân loại rác tại nguồn là thiết thực; phần lớn người dân chưa nhận thức được phân loại rác tại nguồn là cần thiết và ích lợi cho môi trường nên chưa duy trì hoạt động này bền vững. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc thiếu đồng bộ trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác sau phân loại, dẫn đến tỷ lệ phân loại rác tại nguồn chưa đạt như mong muốn.
Phân loại rác tại nguồn được triển khai tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: HL.
Tại thành phố Biên Hòa thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố và 30 phường, xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền hộ dân và doanh nghiệp về việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Đến nay, qua thống kê của 30 phường, xã có khoảng 95,1% số hộ dân đăng ký thu gom rác; còn lại 4,9% số hộ chưa đăng ký. Đối với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, khoảng 51,98% số hộ thực hiện, tuy nhiên có phường chỉ có 30% số hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Mặc dù đã được tuyên truyền rất nhiều, nhưng phần lớn người dân vẫn có thói quen sử dụng chung một thùng rác hoặc một túi đựng rác để chứa tất cả các loại rác nhằm tiết kiệm diện tích lưu chứa rác; một số người dân chưa hiểu đúng việc phân loại rác, chưa nhận thức rõ những lợi ích cho cá nhân và cộng đồng thông qua việc phân loại rác nên không chú tâm thực hiện. Đối với các xe thu gom rác chuyên dụng khi đi trong hẻm nhỏ, nếu thực hiện phân loại rác tại nguồn thì phải tăng cường thêm 2 chuyến riêng mới đảm bảo thu gom hết lượng rác phát sinh, như thế dẫn đến chi phí tăng cao cho đơn vị thu gom rác.
Tại một số khu dân cư kiểu mẫu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, công tác phân loại rác tại nguồn được triển khai thông qua nhiều giải pháp. Ảnh: BN.
Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, theo thống kê tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình mỗi ngày khoảng 80 tấn. Nhận thấy rõ yêu cầu bức thiết bảo vệ môi trường thông qua phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và để việc phân loại rác nguồn trên địa bàn huyện được thực thi nghiêm ngặt, ngày 31/10/2022, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU về triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xử lý chất thải thực phẩm bằng phương pháp sử dụng vi sinh vật bản địa trên địa bàn huyện với các mục tiêu.
Địa phương này phấn đấu đạt tỷ lệ ≥ 70% số hộ gia đình trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương; tuyên truyền sâu rộng, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn.
Hiện nay, tại các xã kiểu mẫu như xã Bình Lợi đã triển khai cho các hộ dân ký bảng đăng ký phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn kết hợp xử lý IMO đạt khoảng 75% tổng số hộ dân; xã Tân Bình đạt 83,12% . Tại xã Phú Lý đã vận động đăng ký thực hiện phân loại rác tại nhà được 2.911/3.031 hộ (đạt tỷ lệ 96%); số hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn là 2140/3031 hộ (đạt 70,6%). Đối với các xã còn lại và thị trấn Vĩnh An hiện đang tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Đồng Nai. Đề án này đặt ra mục tiêu từng bước xử lý những bất cập trong công tác quản lý, có lộ trình tăng dần giá dịch vụ nhằm giảm chi ngân sách đồng thời tạo điều kiện tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt trạm trung chuyển, xe chở rác và chuyển sang công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng. Dự thảo đề án Quản lý rác thải tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025 triển khai phân loại rác thải tại nguồn đến 100% hộ gia đình; 80% tổ chức, cá nhân thu gom và 100% đơn vị vận chuyển đồng bộ phương tiện phù hợp với phân loại rác thải tại nguồn; 100% trạm trung chuyển rác được cải tạo, đầu tư mới.
Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định. Địa phương bố trí kinh phí đầu tư các điểm tập kết, trạm trung chuyển phù hợp nhu cầu của người dân và thuận tiện xe lấy rác. Các chủ đầu tư khu xử lý chất thải phải chuyển đổi sang công nghệ đốt rác, đơn vị dịch vụ chuẩn hóa các phương tiện thu gom, vận chuyển rác sau phân loại.
Minh Hoàng
Bình luận