Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ tư, 30/08/2023 13:08
TMO - Kinh tế tuần hoàn đang từng bước giải quyết các vấn đề còn tồn tại và thách thức về môi trường, năng lượng, để huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Côn Đảo là huyện đảo có ý nghĩa lịch sử cách mạng rất quan trọng không những với nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn đối với nhân dân cả nước. Địa phương này còn có vị trí chiến lược trong hệ thống biển đảo Việt Nam đối với công tác bảo đảm quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.
Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Côn Đảo được coi là mảnh đất chứng kiến và lưu giữ những giá trị lịch sử vô cùng lớn lao của đất nước. Hàng loạt di tích lịch sử như: Nhà tù Côn Đảo, Cầu tàu 914, Nghĩa trang Hàng Dương… đã được trùng tu, gìn giữ để giới thiệu cùng du khách những dấu ấn lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Năm 2012, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Với thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cùng với các giá trị lịch sử, du lịch và dịch vụ đang là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo, chiếm khoảng 90% tổng thu hàng năm của nền kinh tế huyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế và thành tựu đạt được về kinh tế-xã hội, trong những năm trở lại đây, Côn Đảo đã và đang phải đối diện với một số thách thức về môi trường như xử lý rác thải; thực trạng thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt; các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên của Côn Đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu.
Theo thống kê của UBND huyện Côn Đảo, hiện nay rác thải sinh hoạt và du lịch trên đảo ước tính khoảng 25 tấn/ngày (trong đó lượng rác nhựa chiếm gần 2 tấn) trong khi công suất xử lý của nhà máy xử lý rác thải hiện hữu chỉ khoảng 10 tấn/ngày, đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, sức khỏe của người dân và du khách. Ngoài ra, các tác động của hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng các hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên đảo.
Khối lượng rác thải gia tăng đòi hỏi huyện Côn Đảo cần có hạ tầng thu gom, xử lý đồng bộ hiệu quả, giảm tình trạng ùn ứ. Ảnh: NL.
Hiện trạng thiếu đất cho canh tác và sản xuất, các nguồn vật liệu, nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu nên chi phí cao, thiếu lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cũng gây khó khăn trong phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp tại địa phương. Đáng chú ý, diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động khai thác du lịch, giảm sản lượng sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước ngọt dự trữ tại huyện đảo này...
Trước những khó khăn, thách thức từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Côn Đảo, việc tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hài hòa với hệ sinh thái đặc trưng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương này. Từ đây, việc nghiên cứu và ứng dụng kinh tế tuần hoàn đối với huyện Côn Đảo có thể xem là một trong những giải pháp chiến lược nhằm tạo bước đột phá trong giải quyết các hạn chế tại huyện Côn Đảo.
Theo đánh giá, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường (bao gồm biến đổi khí hậu, nước biển dâng) đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao Sở KH&CN tỉnh xây dựng đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2021 – 2026, định hướng đến 2030” trong đó chú trọng đến xây dựng một hệ thống quản lý rác thải sinh hoạt và du lịch theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Theo đó, rác thải sẽ được phân loại ngay từ nguồn, thu gom và vận chuyển đến các cơ sở xử lý. Tại đây, rác thải sẽ được tái chế, tái sử dụng hoặc chuyển hóa thành năng lượng, phân bón. Những sản phẩm từ rác thải sẽ được sử dụng lại cho các hoạt động sản xuất, trong ngành nông nghiệp (làm phân bón) và sinh hoạt của Côn Đảo.
Đề án hướng đến năm 2030 đạt được tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo đạt 50%, 100% rác thải hữu cơ; tỉ lệ thu gom và xử lý nước mưa phục vụ sinh hoạt đạt 10%, tăng diện tích trồng và phục hồi rạn san hô lên 6 - 7ha. Phấn đấu đạt 100% xe vận tải hành khách thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 30%.
Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2022-2025: chuẩn bị các cơ sở pháp lý, giải pháp công nghệ, các phương án hành động và quy chế quản lý cho các đề án, dự án thuộc đề án; triển khai thử nghiệm các chính sách tuần hoàn, các đề án thử nghiệm từ kết quả của các đề án nghiên cứu, kêu gọi đầu tư cho các dự án tích hợp. Trong đó, năm 2023 được xác định là năm bản lề, triển khai gần như toàn bộ các giải pháp, nhiệm vụ trong giai đoạn 2023-2025. Giai đoạn 2026-2030, triển khai mở rộng đề án trên cơ sở thành tựu và bài học rút ra từ giai đoạn 2023-2025.
Đảm bảo chất lượng nguồn nước sạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng khi Côn Đảo triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: QV.
Hiện, huyện Côn Đảo đang hoàn thành dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1 có công suất xử lý 1.000 m3/ngày đêm) bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng nước đầu ra có thể phục vụ cho tuần hoàn tưới tiêu trong nông nghiệp (giai đoạn 2 đến năm 2030 sẽ đạt công suất xử lý 3.500 m3/ngày đêm). Huyện sẽ đầu tư (bằng ngân sách nhà nước và xã hội hóa) xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung từ các hộ gia đình, các khu dân cư; hệ thống thu gom nước mưa cho các điểm cộng đồng trên các đảo nhỏ phục vụ nước uống và hoạt động du lịch, công suất 500l/ngày/đảo.
Xây dựng hệ thống cấp nước liên kết cho đảo chính, quy mô công suất dự kiến khoảng 200 m3/ngày đêm; các hồ chứa nước mới trên các triền núi nhằm lưu trữ nước nước ngọt và cung cấp nước ngầm; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt quy mô công suất 15m3/; triển khai lắp đặt các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước hoặc không dùng nước cho một số địa điểm cộng đồng….
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường; nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng các chương trình cung cấp nước sạch và tái sử dụng nước thải; tăng tỷ lệ xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải cho các mục đích khác nhau trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh dịch vụ tại Côn Đảo; khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường.
Nguyễn Minh
Bình luận