Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ năm, 27/10/2022 12:10
TMO - Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, tỉnh Bắc Kạn chú trọng đầu tư hệ thống cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, nâng cao tỷ lệ tiếp cận nước sạch tại khu vực này. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành các công trình trên còn nhiều hạn chế, đòi hỏi các địa phương tập trung khắc phục.
Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2016 đến cuối năm 2021 từ nhiều nguồn vốn khác nhau, toàn tỉnh Bắc Kạn có 676 công trình do nhiều chủ đầu tư thực hiện: Sở NN&PTNT (11 công trình), Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (361 công trình); cấp huyện, cấp xã (304 công trình) với năng lực phục vụ theo thiết kế cho khoảng 37.086 hộ, thực tế đạt 25.700 hộ, tương đương khoảng 105.370 người.
Đánh giá theo các tiêu chí của Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch nông thôn của Bộ NN&PTNT, trong tổng số 676 công trình, có 326 công trình hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ 48,22%; 114 công trình hoạt động tương đối bền vững, chiếm tỷ lệ 16,87%; 144 công trình hoạt động không bền vững, chiếm tỷ lệ 21,30%; 92 công trình không hoạt động chiếm tỷ lệ 13,61%.
Trong 676 công trình cấp nước trên, có 454 công trình sử dụng trên 60% công suất thiết kế, chiếm 67,16%; 130 công trình sử dụng từ 20 đến dưới 59% công suất thiết kế, chiếm 19,23%; 92 công trình không hoạt động. Qua đánh giá các công trình hoạt động tốt, do có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý vận hành, có thành lập tổ quản lý, có thu tiền sử dụng nước nên các hoạt động của công trình nước sinh hoạt được duy trì.
UBND tỉnh Bắc Kạn rà soát các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn, từ đó triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cấp nước
Từ năm 2016 đến nay, các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh chủ yếu được đầu tư từ chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”. Theo đó, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bắc Kạn được giao làm chủ đầu tư thực hiện hoàn thành 32 công trình với tổng kinh phí đã thực hiện 135.849 triệu đồng, số hộ hưởng lợi: 11.621 hộ, tương đương khoảng 50.000 người sử dụng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn, công tác quản lý các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh sản xuất cung cấp nước sạch tập trung không thực hiện được do những nguyên nhân: đa số công trình cấp nước nông thôn có quy mô cấp nước nhỏ; dân cư phân tán, thực hiện quản lý vận hành khó khăn, lợi nhuận kinh doanh từ cung cấp sản xuất nước sạch thấp, ảnh hưởng lớn đến vận hành và cấp nước an toàn của công trình.
Công trình nước sạch thường xuyên gặp hư hỏng do thiên tai diễn biến phức tạp, nguồn nước cạn kiệt mùa khô ảnh hưởng lớn tới cấp nước cho các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Đa số công trình nước sinh hoạt tập trung nằm tại vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, ý thức bảo vệ và bảo quản công trình chưa cao, vì vậy vẫn để xảy ra tình trạng phá hoại cơ sở vật chất. Một số công trình hiệu quả sử dụng hạn chế, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước so với thiết kế trước khi xây dựng đạt thấp...
Tỉnh Bắc Kạn hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ cấp nước đạt quy chuẩn cho các hộ dân nông thôn đạt 55%.
Thông tin về kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết: Mục tiêu của tỉnh cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn đạt và giữ mức tỷ lệ 98% trở lên, nâng tỷ lệ cấp nước đạt quy chuẩn cho các hộ dân nông thôn đạt 55%. Phấn đấu phát triển bền vững nguồn cấp nước, công trình cấp nước và bền vững tỷ lệ cấp nước.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình nước sạch, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tham gia quản lý, sử dụng, bảo quản các công trình nước sinh hoạt tập trung. Tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn, các công trình còn đảm bảo nguồn nước, có thể khắc phục, sửa chữa được thì duy tu, sửa chữa phục vụ Nhân dân, giảm tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước.
Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và đơn vị được giao quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn thành lập Tổ quản lý công trình; nâng cao năng lực cho Tổ quản lý, vận hành công trình; lập phương án quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, bảo dưỡng công trình. Chú trọng bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng, khoanh nuôi rừng. Tuyên truyền Nhân dân không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục được sử dụng để bảo vệ nguồn nước và chất lượng nguồn nước.
Bích Thùy
Bình luận