Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ năm, 07/04/2022 15:04
TMO - Nhằm cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp trong đó chú trọng đến công tác quan trắc môi trường được nâng cao về chất lượng, cảnh báo kịp thời các ảnh hưởng tiêu cực của môi trường để các địa phương có các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Hiện nay, mạng lưới quan trắc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được hoàn thiện với đầy đủ các thành phần môi trường. Công tác quan trắc các thành phần môi trường được thực hiện và hoàn thành theo khối lượng công việc đã được phê duyệt, kịp thời phản ánh chất lượng môi trường để các cấp chính quyền ra quyết định quản lý, công khai cảnh báo cộng đồng về chất lượng môi trường để có những biện pháp thích ứng phù hợp.
Trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động tại tỉnh Đồng Nai
Tỉnh Đồng Nai đã cơ bản kiểm soát lưu lượng và chất lượng nước thải từ các khu công nghiệp và các nguồn thải lớn; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường, các khu vực thường xuyên có khiếu nại của cử tri.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thiết lập được 5 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, 2 trạm quan trắc môi trường không khí tự động cố định và 1 xe quan trắc môi trường không khí tự động di động. Tính đến năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đầu tư, lắp đặt 25 hệ thống quan trắc nước thải tự động tại 25 khu công nghiệp có đủ lượng nước thải vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung và được lấp đầy trên 50% diện tích.
Hàng năm, Sở TN&MT Đồng Nai còn phối hợp Trung tâm Quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường thực hiện hiệu chuẩn, kiểm định các thiết bị quan trắc môi trường để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu về đo lường đối với thiết bị quan trắc.
Đồng thời, Sở TN&MT Đồng Nai tiếp tục giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải lớn khẩn trương thực hiện đầu tư, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát theo quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường. Riêng đối với các cơ sở có nguồn phát sinh khí thải lớn chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp sản xuất thép, nhiệt điện, hóa chất, xử lý rác,... cần xây dựng kế hoạch thực hiện lắp đặt quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tỉnh Đồng Nai chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động để kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý tại các đơn vị
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp thực hiện giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và kịp thời có văn bản thông báo để chấn chỉnh, xử lý đối với các trường hợp xử lý chất thải chưa đạt yêu cầu hoặc thực hiện chưa đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với việc giám sát chất lượng môi trường không khí xung quanh, trường hợp các khu vực có kết quả quan trắc vượt quy chuẩn quy định, Sở TN&MT cũng đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan và doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn thực hiện biện pháp xử lý nhằm kiểm soát ô nhiễm.
Cùng với việc lắp đặt và giám sát bằng hệ thống quan trắc môi trường tự động, tỉnh Đồng Nai sẽ chỉ đạo tập trung hoàn thành việc xây dựng Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
Để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở TN&MT lập “Báo cáo chuyên đề thực trạng và giải pháp phòng ngừa, kiểm soát các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”. Kết quả của báo cáo này sẽ là cơ sở nhận diện các nguy cơ ô nhiễm từ các đối tượng này cũng như phục vụ đề xuất các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát một cách hiệu quả trong thời gian tới.
Hạnh Nguyên
Bình luận