Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 12:01
Thứ sáu, 17/03/2023 07:03
TMO - Trước nguy cơ gia tăng ô nhiễm rác thải trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, các địa phương đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh trung bình khoảng 200.000 tấn/năm. Chủ yếu là giấy, bìa các tông, nhựa, vải, cao su, kim loại, đồ gốm, sành, thủy tinh, chất thải vỏ, lọ thủy tinh không chứa thành phần nguy hại, đồ điện gia dụng, pin thải, bao bì thuốc diệt côn trùng… Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 91%; chất thải khó phân hủy chiếm 70%, chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Về công tác xử lý rác, hiện 12 bãi chôn lấp chất thải rắn được phê duyệt quy hoạch đang hoạt động ổn định. Đã đầu tư xây dựng 1 nhà máy xử lý rác trên địa bàn thành phố, áp dụng phương pháp ủ sinh học làm phân compost và chôn lấp hợp vệ sinh; 1 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt trên địa bàn huyện Bắc Yên mới đi vào hoạt động từ năm 2022. Các huyện còn lại đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
Tỉnh Sơn La đang đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Ảnh: NN.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cho biết, với điều kiện địa hình chia cắt, giao thông khó khăn với đa số dân số là đồng bào dân tộc, nhiều hộ gia đình còn quen với tập quán thả rông gia súc, gia cầm, chuồng trại chưa đảm bảo... đã gây áp lực lên công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải rắn. Hiện nay, tỉnh cũng chưa triển khai phân loại rác tại nguồn.
Mặc dù, trên địa bàn tỉnh đã có một số chương trình, mô hình phân loại tại một số địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới như huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn… song còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa, thiếu công nghệ xử lý phù hợp, nên tính khả thi không cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, hiện UBND tỉnh đang xem xét, bố trí kinh phí để triển khai Dự án “Cải tạo, nâng cấp trạm xử lý nước rỉ rác áp dụng công nghệ Ôxy hóa nâng cao tại Khu xử lý chất thải rắn thành phố Sơn La”. Đồng thời, xem xét, phê duyệt Chủ trương đầu tư “Khu chôn lấp, xử lý chất thải rắn huyện Mường La” tại bản Bủng, xã Mường Bú, huyện Mường La; điều chỉnh quy hoạch điểm xử lý rác thải tại xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai về điểm tập kết, xử lý rác thải tại xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai; xem xét, bố trí kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng Dự án khu chôn lấp, xử lý chất thải rắn huyện Thuận Châu giai đoạn 2…
Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu nâng tỷ lệ thu gom, lưu giữ, vận chuyến, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đối với rác thải nguy hại, nông thôn, công nghiệp và một số chất thải đặc thù khác. Trong đó, 98% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 95% rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kế hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 50% so với lượng chất thải được thu gom; 100% trung tâm thương mại, siêu thịsử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi ni lông khó phân hủy; 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa được cải tạo, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Về chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn, địa phương này phấn đấu khoảng 93% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyến, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ đế tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost đế sử dụng tại chỗ; 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chât thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu câu bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục nâng cấp, xây dựng các khu xử lý chất thải hiện đại, đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải tại các địa phương.
Nhằm chủ động các phương án thu gom, xử lý hiệu quả khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng gia tăng, tỉnh Sơn La đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới. Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2030: Giữ nguyên hoạt động của Khu chôn lấp chất thải rắn huyện Bắc Yên sử dụng công nghệ đốt (24 tấn/ngày) và Khu chôn lấp chất thải rắn huyện Vân Hồ sử dụng công nghệ chôn lấp (21,5 tấn/ngày) đến năm 2030. Duy trì hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố Sơn La với phương pháp ủ sinh học làm phân Compost (80 tấn/ngày) và chôn lấp hợp vệ sinh (51,4 tấn/ngày); Đồng thời, bổ sung xây dựng 01 lò đốt chất thải rắn công suất khoảng 14 tấn/ngày để giảm thể tích chôn lấp và kéo dài tuổi thọ khu xử lý.
Đối với Khu chôn lấp chất thải rắn tạm thời huyện Quỳnh Nhai thực hiện không đúng theo kỳ quy hoạch 2011 – 2020 được đề xuất khảo sát xây dựng khu xử lý chất thải sử dụng công nghệ đốt và Khu chôn lấp chất thải rắn huyện Thuận Châu đến 2025 sẽ dừng hoạt động cũng được đề xuất bổ sung hệ thống xử lý chất thải rắn theo công nghệ đốt thì hai huyện này nên tiến xây dựng khu xử lý chất thải liên huyện sử dụng công nghệ đốt (công suất khoảng 99 tấn/ngày) trước năm 2025 đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với Khu chôn lấp chất thải rắn huyện Sông Mã tuổi thọ đến năm 2034 nhưng không đáp ứng xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và Khu chôn lấp chất thải rắn huyện Mai Sơn dừng hoạt động sau năm 2030 nhưng mới đáp được xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị còn chất thải rắn nông thôn chưa đủ công suất xử lý cần bổ sung hệ thống xử lý chất thải rắn theo công nghệ đốt để giảm tối đa thể tích chôn lấp và kéo dài hoạt động, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành trước năm 2030.
Nga Nguyễn
Bình luận