Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ sáu, 06/05/2022 19:05
TMO - Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; đến năm 2030, đạt 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 50% dân số nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn.
Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật cấp nước sinh hoạt tập trung, sử dụng các nguồn vốn thuộc chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, chương trình nông thôn mới, chương trình 134, 135, 30a... để xây dựng mới và cải tạo sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Từ đó, nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch đã có nhiều thay đổi, nhiều hộ đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang từng bước thay đổi tập quán sử dụng nước sinh hoạt từ giếng khoan, nước suối, nước khe sang dùng nguồn nước sạch. Nước sạch về vùng nông thôn đã giải quyết một phần khó khăn, giúp ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chi cục Thủy lợi tỉnh tăng cường kiểm tra công tác vận hành công trình nước sạch tại các địa phương
Đến hết 2021, toàn tỉnh đã kiểm đếm 50/50 xã đạt 100%; số hộ gia đình được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước bền vững được kiểm đếm 4.639/ 4.530 đầu nối, đạt 102%; số xã nơi trường học và trạm y tế duy trì được tình trạng vệ sinh được kiểm đếm 10/25 xã, đạt 40%; kế hoạch phát triển năng lực hàng năm đã được phê duyệt hoàn thành 6/5 kế hoạch, đạt 120%...
Dự kiến, năm 2022 sẽ hoàn thành số xã nơi trường học và trạm y tế duy trì được tình trạng vệ sinh, được đo lường hai năm sau khi được xây dựng và cải tạo được kiểm đếm 25/25 xã, đạt 100% mục tiêu.
Để thực hiện được các mục tiêu còn lại năm 2022, Yên Bái sẽ tiếp tục bố trí 1.800 triệu đồng để thực hiện nốt các nội dung còn lại của Chương trình như: hỗ trợ nhân dân xây dựng 1.436 nhà tiêu hợp vệ sinh còn lại theo mục tiêu Chương trình.
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý vận hành công trình sau đầu tư, 27 công trình đều có quyết định giao cho UBND các xã quản lý về mặt tài sản và yêu cầu các xã thành lập các ban quản lý vận hành, các thành viên ban quản lý vận hành được đào tạo, tập huấn thường xuyên và được hỗ trợ kỹ thuật từ Chi cục Thủy lợi.
Yên Bái triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm sớm đạt được mục tiêu 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2030
Để tăng cường công tác quản lý vận hành, khai thác bền vững các công trình cấp nước tập trung, Chi cục Thủy lợi tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Đẩy mạnh quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn sinh thủy cung cấp nước cho hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, nghiêm cấm chăn thả gia súc, sản xuất nông nghiệp và xả thải chất thải vào khu vực đầu nguồn.
Rà soát, đánh giá, cập nhật công tác quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn tại để có phương thức, mô hình quản lý vận hành phù hợp. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp nước an toàn, nhằm phát hiện, đánh giá và có biện pháp ngăn ngừa, cải thiện kịp thời các nguy cơ, rủi ro đến chất lượng nước sinh hoạt cho người dân…
Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; duy trì hoạt động ổn định các công trình cấp nước hiện có đang hoạt động; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo sửa chữa, mở rộng, xây mới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; hỗ trợ hộ dân xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ trong giai đoạn 2021-2025.
Đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 50% dân số nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn; trên 87% hộ gia đình nông thôn, 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt quy chuẩn. Đến năm 2045, phấn đấu trên 80% số dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn bền vững.
Ngọc Ánh
Bình luận