Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ năm, 29/12/2022 11:12
TMO - Nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong khai thác, vận hành công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn an toàn, bền vững.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, đến nay tổng số công trình, hệ thống công trình tham gia cấp nước khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh là 209 công trình/hệ thống công trình. Theo kết quả điều tra bộ chỉ số nước sinh hoạt nông thôn năm 2021, Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh: 99,89%; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT: 57,30% Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh: 98,04%; Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT: 15,34%; Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh: 99,26%; Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT: 42,15%.
Tuy nhiên, hiện nay công suất khai thác của các nhà máy thấp: Còn số lượng lớn hộ chưa sử dụng nước và mức sử dụng nước của người dân nông thôn thấp; phần lớn người dân chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích của việc sử dụng nước sạch và phải chi trả tiền nước hàng tháng, nên nhiều hộ dân vẫn giữ thói quen sử dụng kết hợp nhiều nguồn nước khác, dẫn đến mức sử dụng nước của các hộ dân hàng tháng thấp.
Bên cạnh đó, đối với các công trình cấp nước có quy mô nhỏ, nhiều công trình đã xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân; Một số công trình giao cho cộng đồng quản lý, tuy nhiên các tổ quản lý hoạt động còn chưa thật sự hiệu quả, không triển khai hoặc thu tiền nước ở mức thấp, nên kinh phí chi trả công cho người quản lý và duy tu, bảo dưỡng, vận hành công trình chưa đảm bảo...
Tình trạng nước thải, rác thải của sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và sinh hoạt trên thượng nguồn xử lý chưa triệt để xả ra môi trường, là nguyên nhân gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cấp. Một số hồ đập nhỏ do có tỷ lệ rừng sản xuất lớn nằm trong vùng sinh thủy, nên chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình khai thác rừng sản xuất, thường có tình trạng thiếu nước vào mùa khô...
Công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Đầm Hà. Ảnh: H.Việt
Trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân, trong đó có nhóm chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,99% (trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN- 02:2009/BYT đạt trên 70%).
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân đấu nối, sử dụng các công trình nước sạch hiện chưa đấu nối đủ công suất; Đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cung cấp nước tập trung hiện có. Đồng thời xây dựng phương án, quản lý khai thác dựa vào cộng đồng đối với các công trình có quy mô công suất nhỏ để nâng cao hiệu quả các công trình, gắn với việc duy tu, bảo dưỡng sử dụng bền vững.
Chỉ đạo tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, bảo vệ nguồn sinh thủy tại khu vực đầu nguồn các công trình nước sạch; Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch tập trung, hỗ trợ nhân dân tại các khu vực không có công trình cấp nước tập trung sử dụng các loại thiết bị lọc nước phù hợp tạo nguồn nước sạch, nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với Sở Xây dựng và các sở ngành, địa phương khẩn trương lập và trình UBND tỉnh phê duyệt “Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025” (dự kiến hoàn thành Đề án trong Quý I năm 2023); tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 15/6/2022 của Chính phủ, để quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh hiệu quả.
Đề án đặt ra mục tiêu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đầu tư, nâng cấp mở rộng các hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025 tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống cấp nước tập trung được khai thác từ nguồn nước mặt đảm bảo về lưu lượng, chất lượng để phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động và sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu, từ nay đến 2025, trên 99% người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 80% được cấp nước sạch.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị mở rộng mạng lưới cấp nước sạch sinh hoạt và nâng cấp các công trình trong quá trình vận hành. Ảnh: BQN
Tại Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh đến mục tiêu đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Theo đó, địa phương này phấn đấu đến năm 2030, trên 85% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Đến năm 2045, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn và vệ sinh an toàn, bền vững.
Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tăng cường rà soát đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước đã được đầu tư; xem xét bàn giao các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả cho các đơn vị cấp tỉnh có đủ năng lực quản lý, hình thành các công trình cấp nước tập trung quy mô lớn, cấp nước liên xã, liên huyện nhằm đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững.
Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước đã được đầu tư; xem xét bàn giao các công trình cấp nước quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả cho các đơn vị đủ năng lực quản lý, hình thành các công trình cấp nước tập trung quy mô lớn, cấp nước liên xã, liên huyện, loại bỏ các công trình cấp nước sử dụng nguồn nước thô từ sông nội đồng nhằm đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; Xây dựng và thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá nước sạch nông thôn; Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngọc Ánh
Bình luận