Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 12:01
Thứ ba, 28/03/2023 14:03
TMO - Hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ thời gian qua đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn. Trước thực trạng này UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí môi trường.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh, giai đoạn 2021- 2025, năm 2022, trong xây dựng nông thôn mới, Tuyên Quang đã triển khai 06 chương trình chuyên đề, gồm: Chương trình khoa học và Công nghệ, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Chương trình tăng cường Bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, Chương trình phát triển du lịch nông thôn, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh và Chương trình nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự.
Với việc đẩy mạnh Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 63,9% hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 16,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Tuyên Quang đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Ảnh: CH.
Trong đó, nhằm nâng cao tỷ lệ người dân được tiếp cận và sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch nhất là tại khu vực nông thôn, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã triển khai xây dựng hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Đến hết năm 2022, đã có gần 12.000 hộ dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch. Dự kiến đến tháng 6/2023, sẽ có hơn 13.000 hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh từ nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn.
Trong năm 2023, tỉnh thực hiện đầu tư 26 công trình cấp nước sạch cho các xã trong lộ trình hoàn thành xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Tổng vốn đầu tư trên 190,3 tỷ đồng bao gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của tỉnh. các công trình nước sạch được đầu tư phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân ở các xã được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, kinh doanh. Qua đó, nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, một trong những chỉ tiêu quan trọng, quyết định đạt chuẩn tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng ghi nhận những kết quả nổi bật như: Toàn tỉnh có trên 65% số hộ dân nông thôn triển khai các giải pháp phân loại rác tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; trên 35% số hộ dân nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; trên 90% số xã có tổ cộng đồng tự quản về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, đến hết tháng 12/2022, toàn tỉnh có 63/122 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm; năm 2022, Tuyên Quang đã đăng ký, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 01 mô hình thí điểm chợ An toàn thực phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Thượng Lâm huyện Lâm Bình.
Chú trọng công tác thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo cảnh quan môi trường là các nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai trong xây dựng nông thôn mới.
Xác định công tác xử lý chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh nhấn mạnh triển khai trong công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, theo Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh, Tuyên Quang đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025 xây dựng, lắp đặt bổ sung 6.000 bể chứa và 96 khu vực lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Xây dựng 08 mô hình điểm về sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn các huyện, thành phố. Ít nhất 70% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh từ hoạt động sản xuất trồng trọt ở những khu vực sản xuất tập trung được thu gom. 100% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thu gom từ bể chứa, khu vực lưu chứa được vận chuyển, xử lý tiêu hủy theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Lồng ghép các chương trình, đề tài, dự án, tập huấn mùa vụ của khuyến nông để tập huấn cho nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và hướng dẫn thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Xây dựng các mô hình điểm về sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom, vận chuyển bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn các huyện, thành phố; Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình làm căn cứ để các địa phương nhân rộng trên địa bàn quản lý đảm bảo theo đúng quy định...
Thu gom, xử lý rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp góp phần hạn chế nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, đất. Ảnh: LT.
Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh đến mục tiêu: Đảm bảo người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. - Bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi. Đến năm 2045, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương gắn bảo vệ môi trường với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Lồng ghép nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với thực hiện hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn.
Quang Minh
Bình luận