Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 23/02/2025 12:02
Thứ năm, 05/05/2022 11:05
TMO - Hướng tới mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm cân bằng sự phát triển với bảo vệ chất lượng môi trường.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 19.000 ha đất nuôi trồng thủy sản; trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 13.603 ha, nước lợ 3.734 ha và nước mặn 1.313 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn... Bên cạnh đó, còn có hàng trăm hộ nuôi cá lồng trên sông Chu, sông Mã, vụng Nghi Sơn và các hồ thủy điện.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa xác định tôm và nghêu là sản phẩm nuôi trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành có liên quan của tỉnh, môi trường đất, môi trường nước và các hệ sinh thái trong phát triển nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường. Chất lượng nước trong các ao hồ, trên các hệ thống sông ngòi đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, có sự xuất hiện các thành phần độc hại... gây ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Chất thải trong nuôi trồng thủy sản là bùn thải chứa phân của các loài thủy sản, các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng trong nuôi trồng, như: hóa chất, vôi và các loại khoáng chất... lắng đọng. Cùng với tác động của môi trường, chất thải trong sản xuất chế biến công nghiệp, nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư và đô thị... cũng tác động đến chất lượng môi trường nước.
Thời gian qua, nhiều diện tích nuôi ngao tại huyện Hậu Lộc chết trắng
Những năm gần đây, dịch bệnh phát sinh trên động vật, thủy sản diễn biến phức tạp gây nhiều thiệt hại đối với người nuôi. Trong quý I/2022, tại các xã Hải Lộc và Đa Lộc (Hậu Lộc) đã xảy ra hiện tượng ngao nuôi của 176 hộ nuôi, tổng diện tích 350 ha ngao bị chết, với tỷ lệ chết từ 5 - 30%.
Qua kết quả kiểm tra thực tế, thông tin của người nuôi ngao cung cấp và kết quả xét nghiệm, nguyên nhân gây ra hiện tượng ngao chết do mật độ thả nuôi ngao dày, kết hợp với thời tiết thay đổi, độ mặn thay đổi đột ngột làm ngao giảm sức đề kháng, gầy yếu và gây chết.
Ngoài ra, tại các hộ nuôi trồng ở nhiều địa phương cho thấy, tình trạng nhiều hộ không bố trí ao lắng hoặc ao lắng không bảo đảm khả năng chứa và lắng lọc nước thải, nhất là các cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Với diện tích nuôi nghêu lớn, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chi cụ Thú y và Chăn nuôi tỉnh đảm bảo kế hoạch quan trắc chất lượng môi trường nước
Để bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, các địa phương đang tích cực quản lý chất lượng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, quản lý các mô hình phát triển nuôi trồng gắn liền với bảo vệ môi trường. Ứng dụng các mô hình công nghệ xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, như: xử lý chất bùn thải, xử lý khử trùng nước thải trước lúc thải ra... đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.
Sở NN&PTNT tăng cường hướng dẫn người nuôi tuân thủ việc thả giống theo đúng lịch thời vụ được khuyến cáo, chủ động áp dụng các nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động, xử lý ao nuôi. Xử lý kịp thời nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi, xử lý nước ao trước khi thải ra môi trường và động vật thủy sản bị mắc bệnh.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, hàng năm, Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường nuôi tôm nước lợ, nuôi ngao tại 5 huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn. Các chỉ tiêu quan trắc, chủ yếu như: H2S; NH3; PO4; NO2; PH; độ mặn... với tần suất quan trắc 2 lần/tháng.
Các số liệu thu thập được là cơ sở quan trọng để ban hành các biện pháp về bảo vệ môi trường và giúp cho việc ngăn chặn sớm nguy cơ ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh, từ đó giảm nhẹ phạm vi, mức độ ảnh hưởng cũng như chi phí xử lý ô nhiễm và phòng trừ dịch bệnh ở các vùng nuôi.
Hồng Thắm
Bình luận