Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ tư, 08/06/2022 21:06
TMO - Khai thác hiệu quả những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Quảng Ninh hướng tới phát triển nuôi trồng thủy hải sản theo hướng bền vững. Từ đó, địa phương này triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện và đảm bảo chất lượng môi trường, cân bằng trong quá trình phát triển kinh tế.
Với lợi thế về chiều dài bờ biển trên 250km và diện tích vùng biển khoảng 6.000km2, Quảng Ninh đã phát huy mạnh mẽ trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ, hải sản. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi trồng thủy hải sản việc sử dụng các lồng, bè, giàn nuôi nhuyễn thể bằng phao xốp đã gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường biển.
Hoạt động nuôi trồng thủy hải sản thay thế phao xốp bằng vật liệu thân thiện với môi trường
Nhằm bảo vệ môi trường, nguồn lợi từ biển, hướng tới phát triển thủy sản bền vững giá trị cao, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản, thay thế bằng phao nhựa HDPE trong năm nay. Tuy nhiên, tiến độ xoá phao xốp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt tiến độ như mong muốn.
Theo kế hoạch chậm nhất đến năm 2022 các địa phương hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch, đồng thời thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường. Mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh đặt ra là hoàn thành chuyển đổi trên 3 triệu phao xốp sang phao HDPE, trong đó đến hết tháng 6/2022 chuyển đổi đạt ít nhất 50%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới đạt khoảng 17%.
Để sớm hoàn thành kế hoạch đề ra, Sở NN&PTNT đã tăng cường hoạt động kết nối giữa các đơn vị sản xuất, cung ứng vật liệu nổi hợp quy với địa phương để cung cấp danh mục, chủng loại, vật liệu, giá cả thông tin rộng rãi cho người dân nắm bắt để lựa chọn đầu tư phục vụ sản xuất.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích đầu tư trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đối với người nuôi trồng thủy hải sản trong việc chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa, đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng đến người sử dụng, cam kết thu mua lại sản phẩm cũ sau khi sử dụng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho các hộ tích cực chuyển đổi.
Ngành nuôi trồng thủy hải sản tỉnh đang khuyến khích hộ dân chuyển đổi phao xốp sang phao HDPE. Ảnh: Việt Hoa
Ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi, hạn chế rác thải phát sinh, để kiểm soát chặt chẽ môi trường biển trong nuôi trồng thuỷ sản, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư 26 trạm quan trắc môi trường tự động. Các số liệu thu thập của hệ thống quan trắc tự động được cung cấp thông tin công khai để nhân dân biết, giám sát, nhằm kiểm soát các nguồn thải lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển
Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) thường xuyên giám sát chất lượng nước vùng nuôi trồng thuỷ sản. Các đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên biển và ven biển thực hiện quan trắc định kỳ môi trường theo đúng quy định và gửi kết quả về Sở TN&MT. Các ngành chức năng của tỉnh đã lập quy hoạch đồng bộ, đưa ra chỉ dẫn, hướng dẫn giúp ngư dân có phương pháp nuôi trồng thuỷ sản phù hợp, không để gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.
Trong định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi công nghệ cao, công nghệ mới; xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thuỷ sản của khu vực phía Bắc. Vì thế, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng môi trường trong sản xuất giúp địa phương này thực hiện hiệu quả mục tiêu trên.
Thu Trang
Bình luận