Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ tư, 02/03/2022 16:03
TMO - Hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống dân sinh. Vì thế, hàng năm tỉnh Quảng Ninh đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc xả thải ra môi trường trong các khu công nghiệp.
Quảng Ninh hiện có 11 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục phát triển các KCN ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 5 KCN (Cái Lân, Đông Mai, Việt Hưng, Hải Yên và Cảng biển Hải Hà) đi vào hoạt động, có các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư nhà máy, xưởng sản xuất các mặt hàng thiết bị điện, điện tử, dệt vải… Đây là những ngành nghề nằm trong danh mục các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, được tỉnh đưa vào diện quản lý chặt chẽ từ khâu đầu tư các thiết bị quan trắc môi trường, hệ thống thu gom nước thải, chất thải đến vận hành, xử lý xả ra môi trường.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện 5 KCN này đã hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động đối với nước thải và được kết nối, truyền dữ liệu về Sở TN&MT quản lý, theo dõi.
Tại KCN Cái Lân, từ năm 2002, chủ đầu tư đã triển khai đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung giai đoạn I với quy mô 2.000m3/ngày đêm. Hiện trạm xử lý nước thải này vẫn đang được vận hành ổn định, với công suất khoảng 500-700m3/ngày đêm, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ KCN Cái Lân giai đoạn I.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Cảng biển Hải Hà
Tương tự, tại KCN Cảng biển Hải Hà, đây là KCN chuyên sâu về phát triển ngành công nghiệp dệt may với các hoạt động dệt, nhuộm nên công tác bảo vệ môi trường được chủ đầu tư đặc biệt chú trọng. Đơn vị này đã đầu tư xây dựng và vận hành 1 trạm xử lý nước thải tập trung, với công suất xử lý nước thải đạt 10.000m3/ngày đêm và 1 trạm xử lý có công suất 6.000m3/ngày đêm.
Công tác quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trong các KCN cũng được các chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp đặc biệt quan tâm thu gom, xử lý theo quy định. Tại mỗi phân xưởng, nhà máy sản xuất đều bố trí các tổ thu gom, vận chuyển đến địa điểm tập kết riêng biệt, cách xa khu sản xuất, định kỳ hàng tháng phối hợp với đơn vị được ký hợp đồng chuyển đi xử lý theo đúng quy định.
Trước những mối nguy cơ tiềm ẩn rủi ro gây ô nhiễm môi trường, với chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, đơn vị đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan xây dựng được phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường ở 3 KCN của tỉnh, bao gồm KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Hải Yên và KCN Đông Mai. Hàng năm, các phương án này đều được diễn tập, vận hành và củng cố, bổ sung lực lượng, đáp ứng đầy đủ các điều kiện khi cần thiết.
Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh giám sát các chỉ số quan trắc từ các khu công nghiệp, đơn vị có hoạt động sản xuất xả thải ra môi trường
Trong thời gian tới, bên cạnh việc quản lý, theo dõi, vận hành hiệu quả các trạm quan trắc môi trường tự động tại địa bàn các KCN, các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư các KCN tiếp tục đầu tư hoàn thiện các trạm xử lý nước thải, hệ thống quan trắc môi trường tự động theo đúng lộ trình, giai đoạn được cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, kiên quyết không để các KCN đi vào hoạt động nếu như chưa đầu tư đầy đủ, đồng bộ hệ thống xử lý nước thải cũng như xây dựng phương án ứng phó, xử lý sự cố môi trường theo quy định.
Hoài Phan
Bình luận