Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ hai, 21/08/2023 08:08
TMO - Trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và hoàn thiện quản lý, vận hành hệ thống đê điều thuỷ lợi; tuy nhiên, tình trạng của một số công trình ngày càng xuống cấp.
Nam Định là một tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng với hệ thống đê điều hơn 366km (trong đó đê biển là 92km, đê sông hơn 274km). Tỉnh Nam Định có hơn 90 km đê kè ven biển tuy nhiên 1/5 trong số này đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Bãi tắm Thịnh Long, huyện Hải Hậu, từ những điểm bị sạt lở cách đây hơn 3 năm giờ khu vực này đã gần như tan hoang. Bãi tắm Thịnh Long được kè kiên cố, rộng hơn 20m với những khối bê tông dày nhưng chỉ một thời gian biến đổi khí hậu, sóng đánh liên tục, sói lở đã phá nát toàn bộ đoạn kè dài tới 1,8 km.
Kè Thịnh Long (Hải Hậu) đã bị hư hỏng hoàn toàn.
Ngoài ra, tại tỉnh Nam Định còn gần 200 mét kè biển ở khu sinh thái Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng cũng có dấu hiệu sạt lở từ năm 2015. Tuyến kè gần 2km này do huyện Nghĩa Hưng là chủ đầu tư với kinh phí xây dựng hơn 14 tỷ đồng để làm khu sinh thái nhưng kè xây xong 2 năm đã bắt đầu có dấu hiệu sạt lở. Hầu hết các tuyến đê kè ven biển của tỉnh Nam Định đều không có rừng ngập mặn hoặc phi lao chắn sóng. Vì vậy, Nam Định đã phải gia cố bằng các giải pháp kỹ thuật như làm các mỏ neo chữ T để tránh sóng và gây bồi.
Tỉnh Nam Định được cấp 500 tỷ đồng để xử lý sự cố ở 2 tuyến đê biển là Cồn Tròn và Hải Thịnh III thuộc huyện Hải Hậu. Nguồn kinh phí này nằm trong Dự án củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc bộ vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Quy mô đầu tư củng cố và hoàn thiện xử lý các vị trí sạt lở bao gồm: Với đê biển Cồn Tròn, huyện Hải Hậu: Xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 0,3km và làm mới hệ thống 10 mỏ hàn chữ T; xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 1,3km, làm mới hệ thống 4 mỏ hàn chữ T và sửa chữa, nâng cấp cánh kè mỏ hàn của kè mỏ hàn cũ.
Đê biển Hải Thịnh III, huyện Hải Hậu: Xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 0,2km và làm mới 3 mỏ hàn chữ T; xây dựng tuyến kè dài khoảng 1,8km thay thế kè cũ đã bị hư hỏng hoàn toàn; xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 0,8km và làm mới hệ thống 12 mỏ hàn chữ T kè Thịnh Long. Dự án thành phần số 2 (đê biển Cồn Tròn, xã Hải Thịnh, huyện Hải Hậu) tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng.
Kè biển ở khu sinh thái Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng sạt lở, hư hỏng. Ảnh: HV.
Về lâu dài, tỉnh Nam Định đề nghị các ngành, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực ven sông, ven biển. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; hoạt động xây dựng; khai thác, tập kết khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, ngập úng.
Đồng thời, tiến hành rà soát, xây dựng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Để ứng phó một cách căn cơ, lâu dài với tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, thời gian tới các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp lâu dài đã được UBND tỉnh chỉ đạo, bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển. Xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến sạt lở, lòng dẫn.
Xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bảo vệ bờ sông, bờ biển, khu đô thị, khu dân cư tập trung có nguy cơ sạt lở theo quy hoạch. Triển khai thực hiện các dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ, nhất là rừng ngập mặn, trồng cây chắn sóng để phòng chống sạt lở; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý, khai thác phù hợp gắn với trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển.
Trong Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 12-10-2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy xác định ưu tiên các nguồn vốn tiếp tục đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa các đoạn đê biển, đê sông còn lại. Trong đó ưu tiên xử lý các điểm xung yếu, các công trình phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai; củng cố, nâng cấp hệ thống thủy lợi theo quy hoạch; đầu tư xây dựng cảng cá Quần Vinh, xây dựng kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ. Trước đó, UBND tỉnh có Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 8-9-2020, xác định cụ thể các dự án phòng chống sạt lở trên các tuyến đê sông, đê biển trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Mạnh Cường
Bình luận