Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 17:01
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
TMO – Khu kinh tế Ninh Cơ được kỳ vọng trở thành khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, là trọng điểm phát triển mang tính đột phá của tỉnh Nam Định với cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ. Theo đó, Khu kinh tế có quy mô diện tích 13.950 ha, nằm tại cực Nam của tỉnh Nam Định, bao gồm 09 đơn vị hành chính cấp xã và phần bãi bồi, cụ thể: Huyện Nghĩa Hưng: toàn bộ thị trấn Rạng Đông, xã Phúc Thắng, xã Nghĩa Lợi, xã Nam Điền, một phần thị trấn Quỹ Nhất (trước đây là xã Nghĩa Bình) và vùng bãi bồi; Huyện Hải Hậu: toàn bộ thị trấn Thịnh Long, xã Hải Ninh, xã Hải Châu và xã Hải Hòa.
Theo Quyết định, Khu kinh tế Ninh Cơ có các khu chức năng phù hợp với mục tiêu phát triển của khu kinh tế. Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Mục tiêu phát triển chủ yếu nhằm khai thác tối đa lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, lợi thế về vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong Khu kinh tế Ninh Cơ.
Nam Định phát huy tiềm năng kinh tế biển. Ảnh minh họa.
Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, là trọng điểm phát triển mang tính đột phá của tỉnh Nam Định với cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; trung tâm kinh tế biển phát triển có chức năng hỗ trợ, bổ sung qua lại với các khu kinh tế ven biển khác, tạo động lực phát triển cho vùng đồng bằng sông Hồng, vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ; tạo việc làm, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Hoạt động, cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý đối với Khu kinh tế Ninh Cơ thực hiện theo pháp luật quy định về khu công nghiệp, khu kinh tế, pháp luật về đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan.
Việc phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ được chia thành 3 giai đoạn. Cụ thể: Giai đoạn I (từ năm 2024 - 2026): hoàn thành các bước về quy hoạch xây dựng và đầu tư một số công trình quan trọng. Giai đoạn II (từ năm 2026 - 2030): tiếp tục hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Giai đoạn III (sau năm 2030): hoàn thiện hệ thống kết cấu kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất trong Khu kinh tế Ninh Cơ phù hợp với 06 chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội của Khu kinh tế Ninh Cơ theo hướng phát triển bền vững thông qua giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chuyển đổi việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể hóa các giải pháp, chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong phương án bố trí không gian phát triển của Khu kinh tế Ninh Cơ.
Tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, đảm bảo kế thừa các quy hoạch đang triển khai thực hiện; thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng các khu chức năng, các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu tái định cư và nhà ở xã hội theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ được phê duyệt.
Số liệu trong năm 2023, cả nước có 3 khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng. Đến nay cả nước có trên 18 khu kinh tế ven biển đã thành lập với tổng diện tích trên 857 nghìn ha, trong đó diện tích đất liền khoảng hơn 568 nghìn ha (chiếm khoảng 1,68% tổng diện tích cả nước). Lũy kế đến cuối năm 2023, có khoảng hơn 64 nghìn ha đất khu chức năng, đất nông lâm ngư nghiệp, đất hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất đạt khoảng hơn 21 nghìn ha.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo nhiều việc làm cho người lao động. Tính đến cuối năm 2023, các khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng trên 4,15 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm lần lượt 41,3% và 30,3% số lao động làm việc trong khu công nghiệp trên cả nước.
HẢI YẾN
Bình luận