Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 19:11
Thứ bảy, 25/12/2021 15:12
TMO - Trong năm 2022, ngành chăn nuôi đề ra mục tiêu, tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 4-5%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,44 triệu tấn, tăng khoảng 4%. Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, năm 2022, lĩnh vực chăn nuôi sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo đó, dự báo dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 trong năm 2021 tác động kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi năm 2022. Chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.
Ngành chăn nuôi phấn đấu tăng trưởng 4-5% năm 2022.
Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn xảy ra ở một số địa phương, tuy đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với các nước, khối, khu vực trên thế giới, hoạt động sản xuất và sản phẩm chăn nuôi mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới đồng thời phải đối mặt với việc ngày càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước
Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn ở phía trước, dù vậy, bước sang năm 2022, lĩnh vực chăn nuôi đề ra mục tiêu, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân đạt khoảng 4-5%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,44 triệu tấn, tăng khoảng 4%. Trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,95 triệu tấn (tăng 3,6%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,79 triệu tấn (tăng 5,1%), thịt bò đạt khoảng 510 nghìn tấn (tăng 3%). Sản lượng trứng đạt khoảng 16,7 tỷ quả (tăng 5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,3 triệu tấn (tăng 7,3%).
Cục Chăn nuôi cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn; phối hợp với Cục Thú y và các địa phương trong triển khai phòng chống dịch bệnh, như: Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Tiếp tục triển khai các nội dung xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp tục xây dựng mô hình xây dựng mã định danh quốc gia cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi; tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Nâng cao năng lực sản xuất giống tại chỗ và kiểm soát chất lượng con giống gia súc, gia cầm trong sản xuất.
Cùng với các biện pháp trên, theo Cục Chăn nuôi, sẽ tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư, kiểm soát an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, đặc biệt là tại khu vực các tỉnh biên giới.
Vũ Minh
Bình luận