Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Thứ tư, 04/05/2022 16:05
TMO - Mưa lớn bất thường những ngày đầu tháng 5/2022 đã khiến hàng nghìn ha lúa Đông Xuân sắp thu hoạch, hoa màu tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế, Bình Thuận...bị đổ ngã, có nguy cơ mất trắng, gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Trận lũ trái mùa vào cuối tháng 3/2022 vừa qua làm trên 5.000 ha lúa đông xuân ở Quảng Bình bị ảnh hưởng nặng. Công tác khắc phục chưa hoàn tất thì đợt không khí lạnh trong những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5 lại diễn ra bất thường. Mưa và gió lớn đã làm hàng ngàn ha lúa đang chín chờ gặt hoặc đã bắt đầu rộ đòng bị đổ rạp.
Hầu hết diện tích lúa bị đổ tại tỉnh Quảng Bình đều đã sắp vào mùa thu hoạch. Ảnh: HL
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, đợt mưa gió lớn vừa xảy ra đã khiến hơn 2.700 ha lúa Đông Xuân trên địa bàn toàn tỉnh bị ngập, đổ ngã. Trong đó, các địa phương bị ảnh hưởng lớn là huyện Quảng Ninh với khoảng 1.700 ha, Lệ Thủy trên 650 ha, huyện Bố Trạch khoảng 100 ha, TP Đồng Hới khoảng 250 ha và thị xã Ba Đồn trên 15 ha…
Tại Quảng Trị, theo thống kê ban đầu từ các địa phương, mưa lớn trong những ngày vừa qua đã khiến hơn hơn 3.000 ha lúa sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 trên địa bàn toàn tỉnh bị đổ ngã, trong đó, khoảng 150 ha lúa bị đổ rạp và ngập nước. Hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh có diện tích lúa bị đổ ngã nhiều nhất với mỗi huyện khoảng 1.000ha.
Gần 8.000ha tại Thừa Thiên Huế bị đổ rạp do mưa lớn liên tiếp
Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, do ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc bất thường nên những ngày qua, địa bàn tỉnh có mưa kèm gió lớn trên diện rộng làm hàng nghìn hecta lúa chín bị gãy đổ. Theo thống kê, diện tích gieo cấy lúa vụ Đông Xuân năm nay tại tỉnh Thừa Thiên-Huế khoảng 28.000 ha. Đến đầu tháng 5/2022, nông dân ở địa bàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 1.200 ha lúa chín.
Tuy nhiên, từ đêm 30/4 đến ngày 2/5, địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to khiến nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng và gãy đổ. Cụ thể, toàn tỉnh có 7.813 ha lúa gãy đổ, ngã rạp; trong đó huyện Phú Vang có 1.800 ha; huyện Phong Điền 1.500 ha; thị xã Hương Thủy 1.350 ha; huyện Quảng Điền 830 ha; thị xã Hương Trà 783 ha; TP Huế 1.200 ha và huyện Phú Lộc 350 ha.
Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều diện tích hoa màu, trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngập úng, trong đó 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại huyện Hàm Thuận Bắc, những ngày qua thường xuyên có mưa lớn trên diện rộng, lượng nước từ thượng nguồn đổ về các sông, suối, kênh mương nội đồng khá lớn. Mưa lớn kết hợp với xả lũ hồ Suối Đá đã làm ngập nhiều diện tích cây trồng tại các xã Hàm Phú, Hồng Sơn, Thuận Minh, Hàm Thắng, Hồng Liêm, Thuận Hòa... Theo thống kê sơ bộ, gần 520 ha sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị ngập. Trong đó, có 60 ha cây thanh long, 437 ha lúa vụ Hè Thu (chủ yếu từ 5 ngày đến 20 ngày tuổi); 21 ha hoa màu, rau các loại…Ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Nhiều ha thanh long tại tỉnh Bình Thuận bị ngập úng
Tại huyện Bắc Bình, mưa lớn cũng xảy ra trên diện rộng và kéo dài ở nhiều địa phương khiến hơn 10 ha lúa mới gieo sạ từ 3 - 5 ngày tuổi bị ngập, có nguy cơ mất trắng. Mưa lớn đã gây sạt lở 15 m tuyến Quốc lộ 28. Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 50 triệu đồng. Lực lượng địa phương đã khẩn trương triển khai khắc phục sự cố.
Hiện nay các địa phương đang tích cực đẩy mạnh các biện pháp nhằm khắc phục diện tích cây trồng vụ đông-xuân bị thiệt hại do mưa lớn. Sở NN&PTNT các tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực hướng dẫn người dân thực hiện tiêu úng cho các ruộng lúa bị ngập và khắc phục bằng cách dựng cây, bó lúa tại thành từng cụm.
Những diện tích lúa bị ngã đổ đang chín tới thì tiến hành thu hoạch sớm nhằm bảo đảm năng suất. Nông dân cũng cần tích cực thăm đồng, triển khai giải pháp phòng trừ sâu bệnh, thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin dự báo thời tiết để chủ động các biện pháp bảo vệ cây trồng.
Thanh Nga
Bình luận