Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 09:01
Thứ ba, 11/07/2023 13:07
TMO - Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung, lồng ghép sử dụng các nguồn vốn từ nhiều chương trình khác nhau để mở rộng mạng lưới nước sạch cho người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu nâng tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt trên 91%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 98%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt trên 93%, nông thôn đạt trên 50% vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh Yên Bái đã quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để người dân trên địa bàn có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng.
Trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật cấp nước sinh hoạt tập trung, sử dụng các nguồn vốn thuộc các chương trình như: Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, chương trình nông thôn mới, Chương trình 134, 135, 30A (liên quan đến một số chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn )để xây dựng mới và cải tạo sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Tính đến hết tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 358 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cấp nước cho khu vực nông thôn. Trong đó, có 254 công trình đang phát huy tốt hiệu quả với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2023 sẽ đầu tư 49 công trình cấp nước sạch tập trung với tổng mức đầu tư 91,6 tỷ đồng.
Cùng với đó, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp cho nhiều hộ gia đình được tiếp với nguồn nước hợp vệ sinh. Theo đó, từ khi triển khai chương trình đến tháng 4/2023 đã có 92.577 hộ dân ở khu vực nông thôn được vay 959,7 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa 149.509 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó, có 74.604 công trình nước sạch, 74.905 công trình vệ sinh. Dư nợ đến tháng 4/2023 là 559 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng dư nợ các chương trình.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng của công trình cấp nước sạch nông thôn tại các địa phương.
Hiện nay các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái được giao cho UBND các xã quản lý phù hợp với thực tế ở địa phương và quy định hiện hành. Khi tiếp nhận quản lý công trình, để phát huy hiệu quả, tránh lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước cũng như bảo đảm việc cấp nước cho nhân dân, các xã đã thành lập Tổ quản lý để giám sát, vận hành và kịp thời sửa chữa công trình khi trục trặc, hư hỏng. Bên cạnh đó phối hợp với các tổ chức, đoàn thể địa phương, các thôn tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước; đặc biệt là chú trọng bảo vệ hệ thống đường ống để tránh tình trạng bị nứt, vỡ gây thất thoát nguồn nước.
Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của các công trình kém bền vững, không hoạt động nhằm thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước. Đẩy mạnh công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sau đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch nông thôn...
Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về chính sách, pháp luật đối với việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn hằng năm từ ngày 29/4 - 6/5, Ngày môi trường Thế giới (5/6)…
Tính đến hết năm 2022, dân số khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng trên 600.000 người, đạt tỷ lệ 93%. Trong đó, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp về sinh từ công trình cấp nước tập trung là 29% với 358 công trình; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp về sinh từ công trình nhỏ lẻ đạt 62% với khoảng 100.000 công trình.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT); tiếp tục triển khai thực hiện các dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe, vệ sinh môi trường, tích cực tham gia bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước.
Bên cạnh đó đẩy mạnh rà soát, đánh giá, cập nhật công tác quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn để có phương thức, mô hình quản lý vận hành phù hợp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp nước an toàn, nhằm phát hiện, đánh giá và có biện pháp ngăn ngừa, cải thiện kịp thời các nguy cơ, rủi ro đến chất lượng nước sinh hoạt cho người dân...
Tỉnh Yên Bái tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để mở rộng mạng lưới nước sạch nông thôn.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đề cập đến phương án phát triển phát triển mạng lưới nông thôn. Tiếp tục thực hiện đầu tư các công trình trình, dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020. Đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước do phát triển dân số gắn với ổn định đời sống dân cư và xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư công trình cho các điểm sắp xếp dân cư do thiên tai.
Nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn hiện có đảm bảo cấp nước theo năng lực thiết kế và đảm bảo chất lượng nước cấp. Nâng công suất, mở rộng phạm vi cấp nước đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn ở các vị trí thuận lợi về nguồn nước. Đầu tư, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung có quy mô vừa và lớn để nước cấp đạt tiêu chuẩn nước sạch và cấp nước theo hình thức dịch vụ. Nâng cao năng lực các tổ chức quản lý khai thác công trình, khuyến khích tư nhân và doanh nghiệp tham gia đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu xây mới 142 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất đạt 12.316m3/ngđ, số người hưởng lợi 84.400 người. Sữa chữa nâng cấp 118 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất đạt 11.562 m3/ngđ, số người hưởng lợi khoảng 99.827 người. Ngoài ra dự kiến nâng cấp cho 50 công trình toàn tỉnh với tổng công suất thiết kế dự kiến 4.800 m3/ngđ, phục vụ 43.000 người. Hỗ trợ đầu tư cho 24.886 hộ các công trình cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ (giếng đào, giếng khoan, téc nước…)..
Giai đoạn 2026- 2030: Dự kiến đầu tư mới các công trình cấp cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn tại các huyện Văn Yên, Yên Bình, TX Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Lục Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn với tổng công suất 31.026 m3/ngđ, cấp nước cho 302.750 người. Tiếp tục nâng cấp, cải tạo, mở rộng các công trình CNSH tập trung nông thôn hiện có đảm bảo cấp nước theo năng lực thiết kế, nâng cao chất lượng nước cấp, dự kiến nâng cấp khoảng 250 công trình. Hỗ trợ đầu tư 27.126 hộ các công trình cấp nước nhỏ lẻ (Giếng đào, giếng khoan, téc nước....).
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Đầu tư xây dựng mới nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân. Nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước được cấp nguồn từ các hồ chứa. Nâng cấp, mở rộng và đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung đảm bảo chất lượng nước cấp đạt nước sạch theo quy chuẩn. Các tổ chức quản lý và khai thác công trình có đủ năng lực và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành. Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình, nâng cao chất lượng nước cấp; cấp nước cho các vùng khó khăn về nguồn nước..
Hải Nam
Bình luận