Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Thứ năm, 11/04/2024 08:04
TMO - Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã đến Tiền Giang để chỉ đạo các tỉnh miền Tây đối phó hạn mặn. Trước đó, hồi cuối năm 2023, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã chủ trì cuộc họp tại Bến Tre, cảnh báo 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nguy cơ thời tiết khắc nghiệt vào mùa khô năm 2024. Và không ngoài dự báo, ngay sau Tết Nguyên đán, miền Tây đã oằn mình chống hạn mặn.
Toàn cảnh ứng phó hạn mặn
Ngày 4/4/2024, tỉnh Tiền Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Đây là địa phương đầu tiên công bố tình huống khẩn cấp trong mùa khô năm nay, sau khi hạn mặn khiến hàng nghìn hộ bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng suốt nửa tháng qua.
Huyện Tân Phú Đông có 44.000 người dân sử dụng nước máy với nhu cầu hơn 10.000 m3 một ngày đêm. Hiện, nước máy lẫn nguồn nước tự cung cấp của người dân chỉ khoảng 8.000 m3, còn thiếu khoảng 2.000 m3. Địa phương này đang đề xuất tỉnh vận chuyển nước ngọt thô bằng sà lan bơm vào các ao quy mô trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Sau khi công bố tình huống khẩn cấp, các đơn vị liên quan triển khai ngay các biện pháp ứng phó cấp bách để ngăn chặn và khắc phục nhanh hậu quả. Nhu yếu phẩm, nước sạch sẽ được cấp phát miễn phí cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng. Đến nay, Tiền Giang đã mở hơn 60 vòi công cộng cấp nước miễn phí. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng dùng sà lan, xe bồn chở nước ngọt đến vùng khô hạn phát miễn phí cho người dân.
Hạn mặn khốc liệt ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ.
Tại Bến Tre, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh nhận định, trong tháng 3/2024 xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn từ ngày 5 đến 13/3 và từ ngày 23 đến 31/3. Tháng 4/2024 tiếp tục xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn từ ngày 5 đến 12/4 và từ ngày 25/4 đến ngày 1/5. Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 3 là khoảng 50km ở sông Cửa Đại với độ mặn 4‰ tại xã Tân Thạch (huyện Châu Thành); mặn 4‰ vào sâu 62km trên sông Cổ Chiên ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách)… Ngoài việc vận hành đóng các cống ngăn mặn bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt, thì cần đề phòng nguy cơ sạt lở bờ biển; cảnh báo hiện tượng thủy văn nguy hiểm kèm theo xâm mặn gây thiệt hại ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn trái…
Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016. Do đó, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt để ứng phó trong điều kiện hạn mặn kéo dài.
Theo ông Hồ Ngọc Hậu, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre, hiện công ty đang quản lý 1.695 công trình cống, 1 trạm bơm điện, 2.575km kênh các loại, 433km bờ bao và hồ chứa nước ngọt Ba Tri có dung tích theo thiết kế là 811.800m3. Những ngày qua, công ty triển khai các giải pháp cấp bách về phòng chống hạn mặn, thiếu nước theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Bến Tre. Cụ thể sẽ đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao, bảo đảm nhu cầu về nước. Trường hợp độ mặn giảm, sẽ tăng cường mở lấy nước ngọt ở các cống đầu nguồn và tiêu xổ các cống cuối nguồn để rửa mặn, giải quyết ô nhiễm môi trường…
Bến Tre, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn. Ảnh minh họa.
Mặc dù Hậu Giang là địa phương không giáp biển, thế nhưng những ngày qua nước mặn theo thủy triều biển Tây xâm nhập vào địa bàn huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh. Giữa tháng 2/2024, độ mặn mà các cơ quan chức năng đo được tại một số điểm chính ở khu vực này đã vượt mốc 2‰. Trong đó, TP Vị Thanh có thời điểm độ mặn tăng đột biến lên mức 7,1‰ tại ngã ba Nước Trong và 6,2‰ tại khu vực kênh Lầu...
Ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), cho biết: “Trên địa bàn có nhiều loại cây trồng dễ bị ảnh hưởng khi nước mặn cao như gần 4.000ha lúa đông xuân đang chín, cùng với khoảng 4.300ha cây ăn trái và rau màu… Do đó, khi nước mặn về sớm là ngành chức năng lập tức triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất”. Theo ông Phương, hiện nay đã đóng 10 cống ngầm ngăn mặn; vận hành đóng 3 cống hở không cho mặn xâm nhập vào bên trong; đồng thời cử cán bộ theo dõi chặt diễn biến hạn mặn để tiếp tục ứng phó phù hợp trong những ngày tới.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam, đơn vị đang vận hành siêu công trình thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) cho hay, từ tháng 1/2024 đến nay, khi mặn xâm nhập vượt quá 1‰ tại trạm Cái Tư và mặn vượt 1‰ tại trạm Trâm Bầu thì công ty cho vận hành đóng từ 9 đến 11/11 cửa van cống Cái Lớn và cho đóng cống Cái Bé để ngăn mặn; trong thời gian đóng cống thì các phương tiện di chuyển qua âu thuyền.
Hiện, công ty phân công nhiều cán bộ, kỹ sư theo dõi chặt tình hình mặn, quan trắc và kiểm tra mực nước, chất lượng nước; cập nhật tiến độ sản xuất của hàng trăm ngàn héc-ta lúa trong vùng dự án thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đảm bảo ngăn mặn, lấy nước ngọt đầy đủ nhằm phục vụ an toàn cho đồng lúa. Bên cạnh đó, vận hành cống hợp lý trong việc cung cấp nước pha loãng độ mặn phục vụ nuôi tôm ở các huyện ven biển tỉnh Kiên Giang.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng chống hạn, mặn tại tỉnh Tiền Giang.
Trông mưa và nước thượng nguồn Mekong
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo tổng lượng dòng chảy về ĐBSCL trong tháng 4 thiếu hụt từ 10 – 20% so với cùng kỳ. Nước mặn xâm nhập có thể không đỉnh điểm như tháng 3, nhưng ranh mặn vẫn vào khá sâu, nhất là vào các đợt triều cường từ ngày 08 đến 13/4 và từ 22 đến 28/4. Các chuyên gia khí tượng nhận định, tình hình nước mặn xâm nhập ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Từ nửa cuối tháng 12 năm 2023 cho tới nay, khu vực ĐBSCL gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng mưa rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62- 94%. Cùng với đó, nước mặn xâm nhập năm nay diễn ra sớm, giữa tháng 11 xuất hiện, đi sâu vào nội đồng ở các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu
Theo dự báo, trong 10 ngày tới ở thượng nguồn sông Mekong và khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, thời gian có mưa chủ yếu về chiều tối; mưa tập trung nhiều hơn trong khoảng thời gian từ ngày 15 - 17/4, cục bộ có thể xảy ra mưa dông mạnh kèm theo lốc sét và gió giật mạnh trong cơn dông. Tổng lượng mưa 10 ngày tới tại khu vực Nam Bộ phổ biến từ 30 - 60mm, có nơi cao hơn. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 24 - 27 độ C; nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 32 - 35 độ C.
Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,2 - 1,7m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,35m, tại Châu Đốc 1,5m, ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,1 - 0,2m. Mực nước thủy triều trạm Vũng Tàu: Từ ngày 11/4 đến ngày 20/4 mực nước thủy triều cao nhất dao động ở mức 3,90 - 3,98m, với đỉnh triều xuất hiện có thể đạt 3,98m trong ngày 18/4 (thời gian xuất hiện khoảng từ 2h - 4h) và trong ngày 19/4 (thời gian xuất hiện khoảng 3h - 5h).
Mực nước thủy triều phía Biển Tây (trạm Phú Quốc): Từ ngày 10/4 - 20/4 mực nước triều triều cao nhất dao động ở mức 1,20 - 1,23m với đỉnh triều có thể đạt 1,23m trong ngày 16/04 (thời gian xuất hiện khoảng từ 17h - 18h) và trong ngày 17/04 (thời gian xuất hiện khoảng từ 18h - 19h); từ ngày 18/4 - 20/4 mực nước triều có xu hướng giảm nhẹ, dao động trong khoảng 1,15m - 1,20m.
Trong bối cảnh thời tiết đó, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có khả năng sẽ giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2021. Dự báo như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 55 - 65km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 30 - 40km; Sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 35 - 42km; Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 30 - 35km; Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 40 - 45km.
Huy động nguồn lực ứng phó thiên tai Trước đó, trong buổi làm việc với các địa phương khu vực ĐBSCL hôm 7/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An và Cà Mau, trên cơ sở giải pháp và kinh nghiệm ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn đã đúc kết để chú trọng xây dựng kịch bản, phương án ứng phó chiến lược, dài hơi, kết nối giữa trong tỉnh và liên tỉnh, liên vùng phù hợp với diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu theo dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Đặc biệt, các địa phương quan tâm huy động tốt nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng thủy lợi, giao thông, phòng, chống hạn mặn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất phù hợp với quy hoạch từng tỉnh, vùng và liên vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Các địa phương triển khai nhanh, khẩn trương công trình, dự án liên quan phòng, chống hạn mặn; đồng bộ với phòng, chống lũ lụt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích ứng biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả, có tính chiến lược lâu dài. Các tỉnh cũng cần lưu ý về lâu dài, trong các kịch bản ứng phó cần chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, bố trí lại dân cư theo hướng tập trung, hoàn thiện kiến thiết hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cấp nước nông thôn, quản lý, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm bảo vệ môi sinh, môi trường…/. |
Hùng Sơn
Bình luận