Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Chủ nhật, 20/11/2022 14:11
TMO – Có những loài hoa không bao giờ kết trái, hoa nở để rồi tàn và lau, sậy là loài như thế. Khi những bông sậy màu nâu đất và bông lau trắng muốt vươn lên trời cao là báo hiệu mùa mưa đã qua, mùa khô đã đến và mùa gió chướng về.
Những bông lau, bông sậy thường dùng để làm chổi hoặc cũng có thể dùng để cắm hoa chơi, còn thân cây người dân thường phơi khô rồi đan chúng lại với nhau thành từng tấm, quây lại để nhốt gà, nhốt vịt hoặc cắm trên sông để bắt cá bắt tôm.
Khi mùa gió chướng về, lau, sậy trên bờ nở rộ thì dưới các kênh mương, muống cũng phủ trắng một màu hoa. Hoa muống trắng điểm chút màu tím, giản dị như một cô thôn nữ dịu dàng mà đằm thắm, thuỷ chung như câu ca dao xưa từng nhắc đến:
“Chờ anh, em hết sức chờ
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông”
Cũng như màu trắng pha lẫn chút tím và cũng chờ đến mùa gió chướng mới đồng loạt trổ bông, đó là loài lục bình. Giữa cái màu tim tím bình dị ấy, giữa cái se lạnh của vùng sông nước phương nam ấy đã gợi lại trong ký ức những người xa quê nhớ về dòng sông kỷ niệm. Nhà thơ Ngọc Diệp cũng từng có một nỗi niềm như thế.
“Em nhận ra dòng sông quen thuộc quá
Hương phù sa châu thổ của quê mình
Mùa gió chướng hoa lục bình nở rộ
Chuyến đò chiều chở tím cả hoàng hôn…”
Hoa đậu rồng thường kết trái khi tiết trời chuyển sang se se lạnh. Dây leo vừa tạo bóng mát cho khoảng sân hay làm hàng rào trước nhà và vừa là rau ăn hằng ngày. Đậu rồng thường đặc biệt hơn so với các loại đậu khác là ăn sống cũng đc mà ăn chín cũng ngon. Mọi thành phần của cây đậu rồng còn có thể dùng làm món ăn, trong đó thân và lá là rau xanh, hoa có thể ăn sống, luộc hoặc hấp, còn trái đậu dùng để ăn sống, nấu canh chua hay xào với thịt bò hoặc thịt heo bầm đều ngon. Mộc mạc, chân quê lắm nhưng những món ăn từ đậu rồng sẽ khó phai trong ký ức người miền Tây trong mùa gió chướng thổi.
Nhắc đến món ăn trong đất trời se lạnh tại vùng đất phương nam không thể không nói đến món canh chua cơm mẻ nấu cá trê trắng với bông so đũa. Khi sang mùa khô, nước rút cá trê trắng đào hang để ẩn nấp. Chỉ cần chịu khó tìm ở bờ mương, góc vườn có thể bắt gặp hang của chúng. Để bắt cá trê trắng trong hang, người ta chỉ cần bịt kín miệng hang dưới nước rồi đào phần đất bên trên là bắt được. Trong khi người lớn đi đào hang bắt cá thì những đứa trẻ kéo nhau đi hái bông so đũa. Người dân miền Tây thường trồng so đũa quan nhà vừa để lấy bóng mát, vừa dùng cây làm cột nhà hoặc làm củi. Mùa gió chướng về, bông hoa so đũa kết từng chùm lao xao trong chòm lá xanh non. Trẻ con thích hái bông hoa so đũa vì còn một lẽ là được thưởng thức cái vị ngọt ngọt trong cái bầu của đài hoa.
Mỗi năm vào dịp giáp Tết, tiết trời cũng se se lạnh như thế rồi những bông so đũa, những bông hoa đậu rồng cũng nở rộ, hoa muống đồng, lục bình lại đơm bông. Lau, sậy cũng đua nhau vươn lên trời cao, dù không toả hương nhưng để báo hiệu đất trời đã chuyển mùa. Mộc mạc vậy thôi nhưng những con người trên vùng đất này đã cảm nhận được từ cái nhỏ nhoi ấy để mà thương mà nhớ. Có lẽ, cái nỗi nhớ ấy đã hằn sâu trong ký ức về quê hương xứ sở, về những loại hoa báo hiệu mùa gió chướng về.
Ghi chép của Hoài Thương
Bình luận