Hotline: 0941068156
Thứ hai, 16/12/2024 09:12
Thứ tư, 04/12/2024 06:12
TMO - Làng nghề sơn mài Cát Đằng (tỉnh Nam Định) có lịch sử hàng trăm năm. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, dưới đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, nghề sơn mài vẫn tiếp tục được gìn giữ, duy trì cho đến tận ngày nay.
Miền Bắc Việt Nam nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống bao đời. Trong đó, làng Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) nổi tiếng với nghề làm sơn mài. Bằng đôi bàn tay khéo léo, người Cát Đằng không chỉ làm nghệ thuật sơn mài mà còn là cách để lưu giữ lại lửa nghề hàng trăm năm tuổi.
Tương truyền rằng nghề sơn mài nơi đây có lịch sử trên 600 năm. Qua các giai đoạn tồn tại và phát triển, đến nay những nghệ nhân nghề làng nghề sơn mài Cát Đằng vẫn tiếp tục duy trì nghề truyền thống là sản xuất các sản phẩm sơn mài trên gỗ, chủ yếu là các loại ngai, ỷ, kiệu, tượng, tranh... phục vụ sinh hoạt tôn giáo; đồng thời phát triển nhiều mẫu mã sản phẩm tiêu dùng, sinh hoạt phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo một số cụ cao niên trong làng nghề Cát Đằng kể lại, đồ sơn mài xưa thường được dùng để trang trí trong các cung đình, những đồ đạc, vật dụng ở đây thường được làm chủ yếu do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Cát Đằng tạo nên. Trải qua năm tháng thời gian, dẫu có lúc thịnh lúc suy, nghề sơn mài Cát Đằng vẫn được giữ vững.
Nghề làm sơn mài, tranh sơn mài tại làng Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vẫn được lưu giữ đến ngày nay.
Nghề sơn mài này gồm hai nghề rõ ràng là nghề sơn và mài. Sơn mài có thể thực hiện được trên nhiều chất liệu khác nhau như: gỗ mỡ (vàng tâm, dổi, de, mít....), gỗ dán, giấy nện... Sản phẩm có hai nhánh là sơn mài truyền thống và sơn dầu (sơn quang dầu). Nguyên liệu sơn chính là nhựa cây sơn (sơn ta), được trồng nhiều trên những triền đồi vùng trung du Bắc Bộ; vàng quỳ, bạc quỳ là những lá vàng, bạc được dát thật mỏng để thếp vào sản phẩm; bột màu, son và các loại: đất sét, vải, giấy, dầu trẩu, nhựa thông...
Tuy nhiên để sản phẩm được hoàn thiện nhất thì công đoạn pha chế sơn có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự trọn vẹn của sản phẩm. Do đó, khâu chế biến sơn thường được giao cho các thợ cả, thợ chính hoặc người già có nhiều kinh nghiệm, nắm giữ được những bí quyết tinh hoa của nghề. Và khâu nào cũng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ để từ thùng sơn sống chế biến thành các loại sơn khác nhau phục vụ từng công đoạn khác nhau.
Dưới đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo, những sản phẩm sơn mài được dần hoàn thiện.
Ngày nay, nghề sơn mài đã giúp người Cát Đằng gây dựng được cuộc sống khấm khá và sung túc hơn. Không chỉ có tranh sơn mài, ngày nay người Cát Đằng còn phát triển kĩ thuật sơn mài trên đồ gia dụng như chén, đĩa, cốc, chụp đèn, lọ hoa… với kiểu dáng phong phú, đậm chất nghệ thuật Á Đông, được xuất khẩu sang các nước Tây Âu và các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, tranh sơn mài truyền thống của làng Cát Đằng còn thể hiện các chủ đề dân gian như: tranh tứ linh long, ly, quy, phượng; tranh tứ thời mai, lan, cúc, trúc; tranh phong cảnh làng quê; tranh về các di tích, thắng cảnh đẹp của đất nước... Đường nét trong tranh thanh nhã và tinh xảo, thể hiện sự khéo léo của người nghệ nhân. Đặc biệt, tranh chân dung sơn mài có đường nét rất hiền hậu, chân thực.
Từ nghề sơn mài truyền thống, hiện nay ở xã Yên Tiến đã hình thành và phát triển song song ba chủng loại sản phẩm là: sơn mài truyền thống (sản phẩm chủ yếu là tranh, ảnh, đồ lưu niệm); sơn dầu (các loại đồ thờ) và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp. Khác với sơn mài, các sản phẩm sơn dầu không phải qua các công đoạn hom, bó, bọc tỉ mỉ và đặc biệt là không phải mài đi mài lại nhiều lần.
Sản phẩm tranh, vật dụng sơn mài Cát Đằng được người dân, du khách ưa chuộng.
Còn sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp thì thường sử dụng các loại sơn công nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu chính nữa là sơn cũng đa dạng như: sơn hạt điều, sơn Nhật, sơn PU...; lại nhờ sự hỗ trợ của các loại máy móc nên rất nhiều công đoạn thủ công trước đây đã được thực hiện bằng máy giúp làng nghề có thể sản xuất ra khối lượng hàng hóa lớn, giá thành hạ mà chất lượng vẫn được đảm bảo, thu hút được nhiều khách hàng và chủ yếu để xuất khẩu.
Với các giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, cùng với giá trị sử dụng và kinh tế của di sản, ngày 8/5/2017, Bộ VH,TT&DL đã có Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL đưa nghề sơn mài Cát Đằng vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề làm tranh sơn mài và sản phẩm sơn mài ở Cát Đằng giờ phát triển mạnh. Những lúc nông nhàn, không chỉ có các cụ già mà nhiều thanh niên cũng tham gia làm nghề. Nghệ thuật sơn mài vùng quê Cát Đằng nhờ thế vẫn được bảo tồn, góp phần lưu giữ những nét đẹp của một miền quê Việt Nam tới bạn bè trong và ngoài nước.
Nguyệt Minh
Bình luận