Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 02:01
Thứ tư, 29/05/2024 15:05
TMO – Đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc về quy định cho phép Hà Nội được chuyển đổi sử dụng đất rừng trên 1.000ha và đất trồng lúa trên 500ha làm các mục đích khác. Không nên cho phép chuyển đổi như vậy, bởi với quy mô dân số đông, các trụ sở bộ ngành lớn, Hà Nội rất cần đất rừng để có được “lá phổi xanh”, cho người dân được hưởng không khí xanh, sạch, đẹp.
Theo đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống; làm rõ định hướng quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống, việc quy hoạch phân khu và quản lý, sử dụng phần bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê…
Quốc hội tiếp tục phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 7.
Tiếp thu ý kiến nêu trên, dự thảo luật đã bổ sung quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm an toàn đê điều và phòng, chống lũ. Đồng thời, dự thảo bổ sung nội dung giao UBND TP. Hà Nội có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều. Theo đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này.
Góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lo ngại khi dự án luật đề xuất cơ chế cho phép Hà Nội biến các khu bãi bồi, bãi giữa ven sông trở thành khu đô thị, trung tâm văn hóa, du lịch. Bãi bồi, bãi giữa sông Hồng có lịch sử và giá trị tự nhiên do bồi lắng của sông Hồng tạo nên. Nếu chuyển đổi các vùng bãi bồi, bãi giữa này thành khu đô thị, trung tâm văn hóa, du lịch sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hồng. Trong trường hợp cấp bách, sẽ khó có giải pháp để di dời, phòng tránh những diễn biến bất thường của thiên nhiên, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Hà Nội không đến nỗi thiếu hụt quỹ đất, không cần chọn bãi giữa sông Hồng để xây dựng trung tâm văn hóa, du lịch, vừa tốn kém kinh phí trị thủy vừa gây rủi ro.
Về chuyển đổi sử dụng đất rừng, ông Hòa đề nghị cân nhắc về quy định cho phép Hà Nội được chuyển đổi sử dụng đất rừng trên 1.000ha và đất trồng lúa trên 500ha làm các mục đích khác. Theo ông Hòa, không nên cho phép chuyển đổi như vậy, bởi với quy mô dân số đông, các trụ sở bộ ngành lớn, Hà Nội rất cần đất rừng để có được “lá phổi” xanh, cho người dân được hưởng không khí xanh, sạch, đẹp. Ông Hòa đề nghị chỉ nên cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô dưới 1.000 ha và đất trồng lúa dưới 500 ha.
Cân nhắc về chuyển đổi sử dụng đất rừng.
Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, dẫn số liệu của UBND TP Hà Nội, tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng của Hà Nội năm 2022 chỉ có trên 27.000 ha, trong đó diện tích có rừng là 18.577 ha, với hơn hơn 7.500 ha rừng tự nhiên và gần 11.000 ha rừng trồng, diện tích chưa thành rừng của Hà Nội là 8.500 ha. Với thực trạng như vậy, tỉ lệ che phủ rừng của Hà Nội chỉ đạt 5,59%, thuộc nhóm những tỉnh, thành có tỉ lệ che phủ rừng thấp trong cả nước, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ che phủ bình quân của khu vực đồng bằng sông Hồng là 21,26%.
Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, Hà Nội phải đặt trọng tâm vào việc giữ gìn và phát triển hơn nữa diện tích đất trồng rừng và coi việc nâng tỉ lệ che phủ rừng của Hà Nội là vấn đề sống còn, cốt lõi. Đề nghị hạn chế tối đa các dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đồng thời có giải pháp tăng thêm diện tích trồng cây xanh trong khu vực đô thị trung tâm.
Trong trường hợp đặc biệt, cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất, đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn, bổ sung cơ chế lấy ý kiến nhân dân và đề nghị quy định lại theo hướng quy định diện tích cận trên, diện tích tối đa và cần tính toán kỹ diện tích tối đa để bảo đảm sự phát triển bền vững chứ không quy định diện tích cận dưới và không khống chế diện tích tối đa như trong dự thảo luật.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, dự thảo luật có quy định khai thác các tiềm năng ở ven sông, trong này có ghi cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ và được xây dựng các công trình ngoài bãi sông nhưng phải tuân thủ theo Luật Đê điều. Nếu ghi được phép xây dựng nhưng lại tuân thủ theo Luật Đê điều sẽ diễn ra tình trạng giống như thời gian vừa qua vì hành lang thoát lũ bao gồm phần toàn bộ không gian ngoài đê, trong đó gồm phần để dòng chảy cho đến mùa lũ và phần thứ hai là phần không phải chảy mà chỉ chứa nước, người ta gọi là chậm lũ. Nếu quy định như thế sẽ không còn phần không gian nào được phép khai thác, nên đề nghị phải điều chỉnh lại là chỉ có xây dựng, quản lý ở trên phần hành lang dòng chảy vào mùa lũ chứ không phải toàn bộ hành lang thoát lũ giống như Luật Đê điều quy định chung cho tất cả mọi địa phương.
Khu vực bãi giữa sông Hồng.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thủ đô hiện hành; tăng tính chủ động, tự chủ và xây dựng hệ thống chính trị của Hà Nội thực sự tinh gọn, hiệu quả.
Để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Thủ đô, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã tiến hành đồng thời tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt là phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Đặc biệt, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Thủ đô có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô.
BẢO HÂN
Bình luận