Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 10:11
Thứ hai, 25/11/2024 08:11
TMO – Dự thảo luật bổ sung biện pháp tiền kiểm đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, thay vì việc doanh nghiệp chỉ cần thực hiện khai báo hóa chất tự động như hiện nay, đồng thời đề xuất tăng chế tài xử phạt các vi phạm để nâng cao mức răn đe.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ hợp thứ 8 (thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Hóa chất), sau khi tiếp thu góp ý từ các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ nhiều nội dung của dự thảo Luật. Trong đó tập trung vào các vấn đề lớn. Đơn cử như: Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa và an toàn hóa chất; Phát triển công nghiệp hóa chất; Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất…, đặc biệt là vấn đề quản lý hoạt động hóa chất, nhất là hóa chất độc hại cần kiểm soát đặc biệt.
Theo Bộ trưởng Công Thương, để tăng cường quản lý hóa chất độc hại, kiểm soát rủi ro, mất an toàn, an ninh từ hóa chất, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) một số quy định như sau: Sửa đổi, bổ sung quy định hóa chất trong toàn bộ vòng đời từ khi hóa chất được tạo ra hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam đến khi lưu thông, sử dụng và xử lý. Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung các quy định quản lý các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất với mức độ chặt chẽ khác nhau nhằm bảo đảm và phù hợp với từng danh mục hóa chất, an toàn trong sản xuất sử dụng hóa chất, bảo đảm an toàn cho môi trường.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bổ sung biện pháp tiền kiểm đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, thay vì việc doanh nghiệp chỉ cần thực hiện khai báo hóa chất tự động như hiện nay, đồng thời đề xuất tăng chế tài xử phạt các vi phạm để nâng cao mức răn đe. Bổ sung quy định về áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc kiểm soát hoạt động mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt nhằm giám sát toàn bộ đường đi của hóa chất, từ nhà sản xuất nhập khẩu đến người sử dụng cuối cùng.
Tiếp đến là sửa đổi, bổ sung quy định tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương và các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ tồn trữ, vận chuyển hóa chất cần kiểm soát đặc biệt nhằm tăng cường bảo đảm công tác an toàn, an ninh, tránh thất thoát hóa chất hoặc sử dụng không đúng mục đích; đồng thời, quy định rõ phân cấp thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và nhất là sự cố cháy, nổ cho các địa phương để bảo đảm tính chủ động, kịp thời như nhiều đại biểu đã quan tâm.
Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải đăng ký mục đích, nhu cầu sử dụng hóa chất trên cơ sở dữ liệu nhằm thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc hóa chất bị sử dụng sai mục đích. Vì là hóa chất độc hại, nên cần có quy định rất cụ thể về sản xuất, tồn trữ hóa chất độc hại phải ở địa điểm xa khu dân cư và phải có cơ chế kiểm soát đặc biệt đối với loại hóa chất này trong quá trình sử dụng và lưu thông.
Sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn. Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh: So với Luật Hóa chất hiện hành, Luật Hóa chất (sửa đổi) đã đồng bộ với các quy định để siết chặt tăng cường quản lý hoạt động hóa chất trong toàn bộ vòng đời, đặc biệt là đối với hóa chất cần kiểm soát đặc biệt. Tăng cường phân cấp, phân quyền, chia sẻ cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý ở cả cấp trung ương và địa phương. Thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý các lĩnh vực sử dụng hóa chất trong việc nghiên cứu, đánh giá rủi ro có thể phát sinh từ khâu sử dụng và đánh giá chi tiết tác động chính sách để đề xuất các giải pháp quy định quản lý các loại hóa chất độc hại, hóa chất đặc biệt nguy hiểm, bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả.
HẢI YẾN
Bình luận