Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 16:01
Thứ sáu, 06/12/2024 08:12
TMO – Ngoài các điểm mới, Luật Điện lực cũng tập trung vào việc bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia, quản lý tốt nguồn tài nguyên điện và bảo vệ lợi ích quốc gia, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với hơn 91% đại biểu tán thành, Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 30/11/2024 tại Kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa 15. Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án điện lực và phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Đáng chú ý, một trong những điểm mới tiến bộ nổi bật của Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua là góp phần giải quyết được một số vấn đề không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay như cơ chế về giá điện và thị trường điện cạnh tranh,…
Một trong những nội dung của lần sửa đổi này là những điểm mới của hoạt động mua bán điện quy định trong Chương V của dự thảo luật, trong đó đã bổ sung hợp đồng kỳ hạn điện, là một hợp đồng tài chính phái sinh để các bên quản lý rủi ro khi tham gia thị trường điện. Việc quy định hợp đồng kỳ hạn điện tại luật là cơ sở pháp lý để hướng dẫn cơ chế thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hợp đồng này. Theo Bộ Công Thương (cơ quan chủ trì soạn thảo), đây cũng là yêu cầu cần thiết để xử lý các vấn đề bất cập của thị trường bán buôn điện hiện nay, tạo điều kiện mở rộng phạm vi thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tạo tiền đề cho thị trường bán lẻ điện sau này.
Nhân viên điện lực tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những thay đổi lớn của Luật Điện lực (sửa đổi) là việc điều chỉnh cơ cấu thị trường điện, nhằm hướng tới một thị trường điện vận hành hiệu quả, minh bạch hơn. Các quy định về thị trường điện, phân phối, mua bán điện giữa các bên, đặc biệt là việc nâng cao vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tham gia vào thị trường điện sẽ giúp gia tăng tính cạnh tranh và giảm thiểu tình trạng độc quyền.
Điểm mới quan trọng trong Luật Điện lực (sửa đổi) là việc đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt là các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của thế giới hiện nay. Luật sửa đổi cũng đưa ra các quy định mới nhằm quản lý giá điện hợp lý, công khai và minh bạch hơn. Điều này sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy các cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế và thị trường điện.
Đồng thời, Luật cũng tập trung vào việc bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia, quản lý tốt nguồn tài nguyên điện và bảo vệ lợi ích quốc gia, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng quy định chính sách ưu đãi cho các dự án phát triển hạ tầng điện, đặc biệt là những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận điện năng cho người dân ở các khu vực này. Những điểm mới của Luật Điện lực (sửa đổi) lần này không chỉ tạo ra một khung pháp lý thuận lợi cho phát triển thị trường điện mà còn góp phần nâng cao tính bền vững trong phát triển năng lượng của Việt Nam.
Về tháo gỡ các điểm nghẽn, các chuyên gia cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) đã giải quyết được một số điểm nghẽn quan trọng trong phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian qua, cụ thể: Trước khi sửa đổi, thị trường điện Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cạnh tranh, dẫn đến tình trạng độc quyền và thiếu sự minh bạch trong việc phân phối điện. Luật sửa đổi đã có những quy định rõ ràng về việc mở rộng và phát triển thị trường điện, đặc biệt là xây dựng các cơ chế cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia.
Trong thời gian qua, sự phát triển của năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió) tại Việt Nam gặp không ít khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ rõ ràng và hiệu quả. Luật Điện lực sửa đổi đã tạo ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, như xây dựng cơ chế giá hợp lý, hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo và thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp tăng cường nguồn cung năng lượng tái tạo, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc.
Trước khi sửa đổi, việc quản lý giá điện còn gặp khó khăn, thiếu sự linh hoạt và chưa minh bạch. Điều này đôi khi dẫn đến sự không công bằng giữa các nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc dự báo và lập kế hoạch kinh doanh. Luật sửa đổi đã đưa ra các cơ chế quản lý giá điện linh hoạt hơn, giúp điều chỉnh giá điện phù hợp với cung - cầu thị trường,
Một trong những nghẽn lớn là sự phát triển không đồng bộ của hạ tầng điện, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Các khu vực này thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn điện, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển hạ tầng điện tại các khu vực này, từ đó đảm bảo việc cung cấp điện ổn định và công bằng cho mọi khu vực trên cả nước. Với nhu cầu điện ngày càng tăng và sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, vấn đề an ninh năng lượng là một thách thức lớn. Luật sửa đổi đã có những quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu các nguy cơ gián đoạn cung cấp điện từ các yếu tố bên ngoài…/.
VŨ MINH
Bình luận