Hotline: 0941068156
Thứ ba, 28/01/2025 00:01
Thứ bảy, 11/11/2023 20:11
TMO - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được giới chuyên môn, học giả và người dân đón nhận với kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập trong chính sách, quản lý tồn tại nhiều năm không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, cơ hội phát triển của đất nước.
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung (Đại học Luật Hà Nội), Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương đã khắc phục được những điểm còn hạn chế của Nghị quyết 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” cũng đã được ban hành. Trong đó đặt ra mục tiêu năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2025 phải hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
(Ảnh minh họa)
Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đặc biệt quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng lớn, tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội cũng như trực tiếp tới người dân. Đây là cơ sở quan trọng cho phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Việc ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) với cơ chế chuyển dịch đất đai để phục vụ cho lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo cơ chế thị trường góp phần đẩy mạnh các hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch. Đồng thời, kiểm soát quyền lực nhà nước trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và đặc biệt là quản lý tài chính về đất đai, đặc biệt là thuế, phí và lệ phí; Giải quyết căn bản về xã hội hóa và chia sẻ lợi ích của các chủ đầu tư dự án đầu tư bất động sản với Nhà nước để mở đường, chỉnh trang đô thị nơi có những con đường đi qua các bất động sản xung quanh…
Cùng với đó, khi được ban hành, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần tháo gỡ bất cập trong vấn đề cho phép tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài thế chấp quyền sử dụng đất; vấn đề cho người nước ngoài sở hữu nhà và giao dịch bất động sản. Bổ sung khái niệm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Về bồi thường và hỗ trợ tái định cư; Thẩm quyền ban hành khung giá đất, bảng giá đất; Cần phải tính toán cân nhắc việc bỏ khung giá đất thì việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, tính tiền sử dụng đất, tính tiền bồi thường sẽ có quy trình thực hiện và căn cứ tính thuế và nghĩa vụ tài chính như thế nào? Tất cả các hoạt động về giao, cho thuê, thu hồi đất đều thực hiện đấu giá trên thị trường.
Luật đất đai (sửa đổi) cũng được kỳ vọng là tiền đề để Nhà nước nghiên cứu từng bước nâng cao hiệu quả thực thi Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất và nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng đất hiện nay. Điều quan trọng, không chỉ giới chuyên gia, học giả mà chính người dân cũng đang kỳ vọng về những chính sách mới, phù hợp được thể hiện trong Luật Đất đai (sửa đổi) về các vấn đề thiết thực, gần với đời sống kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, nhất là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Việc thu hồi đất phải bám sát thực tế, trên cơ sở đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
HẢI YẾN
Bình luận