Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 23:01
Thứ hai, 14/10/2024 09:10
TMO – Chuyển đổi đất 2 - 3 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 1 vụ màu - đây được xem là giải pháp nhiều địa phương áp dụng và có tiềm năng nhân rộng. Do việc chuyển đổi 1-2 vụ lúa sang trồng cây rau màu cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa đơn thuần nên được nông dân ở nhiều địa phương hưởng ứng. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng.
Sau năng lượng, sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp ‘góp’ khoảng hơn 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) toàn quốc. Phát thải KNK trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải khoảng gần 50 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 50%; chăn nuôi phát thải hơn 18 triệu tấn, chiếm 19%; đất và phân bón phát thải khoảng 13 triệu tấn, chiếm khoảng 13%. Các loại KNK phát thải chính trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm khí CH4, N2O và CO2.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện có khoảng 4 triệu ha đất phục vụ trồng lúa nước bao gồm các diện tích gieo trồng một, hai, thậm chí lên đến ba vụ lúa/năm. Do vậy, tổng diện tích gieo trồng lúa nước hàng năm khoảng 7,7 triệu ha. Như vậy, tính trung bình 1 ha đất lúa phát thải 12 tấn CO2/ năm và 1 ha gieo trồng lúa nước phát thải khoảng 6,5 tấn CO2/vụ lúa.
Phát thải trong trồng lúa nước chủ yếu là phát thải khí metan. Khí metan sinh ra chủ yếu do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị ngập nước. Lượng khí metan phát thải từ các ruộng lúa có thể khác nhau tùy thuộc vào loại đất trồng lúa và nhiệt độ. Ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí metan sinh ra càng nhiều.
(Ảnh minh họa)
Giải pháp giảm phát thải
Theo một kết quả nghiên cứu, các ruộng lúa áp dụng chế độ tưới nước chủ động khô và ngập nước xen kẽ (còn gọi là nông lộ phơi) giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải KNK so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ. Tuy nhiên, diện tích đất lúa áp dụng công nghệ nông lộ phơi ở nước ta còn rất khiêm tốn. Theo thống kê, trong số 7,7 triệu ha (tính trung bình 2 vụ) gieo trồng lúa nước của Việt Nam có 5 triệu ha được tưới tiêu chủ động, 2,3 triệu ha được tưới tiêu một phần và 0,34 triệu ha không được tưới tiêu. Tuy nhiên, trong số 5 triệu ha lúa được tưới tiêu chủ động thì chỉ có 52 ngàn ha áp dụng đầy đủ công nghệ nông lộ phơi, 245 ngàn ha áp dụng một phần công nghệ tưới khô ngập nước xen kẽ và vẫn còn hơn 4,7 triệu ha vẫn để nước ngập suốt cả vụ lúa.
Mặc dù công nghệ tưới tiêu nông lộ phơi đã được chứng minh giúp giảm một lượng lớn KNK trong sản xuất lúa nước nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở nước ta. Một trong các nguyên nhân là do áp dụng công nghệ này đòi hỏi phải đầu tư khá lớn vào cải tạo hệ thống thủy lợi, trong khi đó, hiệu quả kinh tế thu lại được từ đầu tư công nghệ này vẫn chưa đủ hấp dẫn người dân và các doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, do diện tích trồng lúa của người dân còn nhỏ bé và manh mún nên việc đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi còn gặp khó khăn ở nhiều nơi. Do vậy, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì việc áp dụng công nghệ nông lộ phơi nhằm giảm phát thải KNK trong trồng lúa nước còn rất nhiều hạn chế.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các cây trồng khác cũng được xem là giải pháp giúp giảm phát thải KNK trong trồng lúa nước. Giải pháp này bao gồm chuyển đổi đất 2-3 vụ lúa sang còn 1 vụ lúa và 1 vụ màu hoặc có thể chuyển đổi hoàn toàn diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác hoặc nuôi trồng thủy sản. Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, giải pháp này được người dân ủng hộ cao do trồng các cây trồng khác thường đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp này đòi hỏi phải có quy hoạch cụ thể về đất đai, thị trường và chi phí đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi, cơ sở chế biến.
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác: Do lượng KNK phát thải trong cây trồng cạn rất thấp nên việc chuyển đổi đất trồng lúa nước sang các cây trồng cạn khác sẽ đem lại hiệu quả cao trong giảm phát thải KNK. Hiện nay, nông dân ở nhiều địa phương mong muốn được chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản do hiệu quả kinh tế mang lại hơn hẳn so với trồng lúa. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn có chủ trương giữ diện tích trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực nên việc chuyển đổi hoàn toàn đất lúa sang các cây trồng khác chỉ được thực hiện ở những diện tích được chính quyền cho phép.
Một giải phát khác cũng mang lại hiệu quả cao trong giảm phát thải đối với hoạt động trồng lúa nước là chuyển đổi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu) hóa học sang sinh học và sử dụng phân bón vi sinh.
Theo các chuyên gia, nhiều giải pháp về giảm phát thải KNK đối với hoạt động trồng lúa nói riêng và hoa màu nói chung đã được đưa ra, công tác tuyên truyền, vận động cũng đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng bởi các nguyên nhân: Thứ nhất, chưa có sự đồng nhất, cách làm manh mún, chưa có chiều sâu, chưa có chế tài xử lý. Thứ hai, phần lớn người nông dân vẫn giữ thói quen, tập quán canh tác cũ, chưa thay đổi phương thức sản xuất mới…/.
THIÊN LÝ
Bình luận