Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ bảy, 10/08/2024 06:08
TMO - Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Long An diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, phức tạp, không dự báo. Trước thực tế này, UBND tỉnh Long An yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, tình trạng sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường. Thời gian qua đã gây ra thiệt hại đến kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà ở, cây trồng, đất sản xuất của người dân và đe dọa đến các công trình tôn giáo, di tích của tỉnh. hiều vụ sạt lở đất làm cuốn trôi tài sản, diện tích đất ở, đất sản xuất của nhà nước và nhân dân; làm sập đổ, hư hỏng nhiều nhà ở, đường giao thông, hệ thống đê điều. Đặc biệt, gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần người dân hiện đang sinh sống tại gần các bờ sông.
Tính từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện khoảng 94 điểm sạt lở lớn, nhỏ với tổng chiều dài hơn 26.768m, gây thiệt hại tài sản, nhà cửa, đất đai của người dân, hàng ngàn mét đường giao thông chính và giao thông nông thôn bị cuốn trôi xuống sông. Riêng từ đầu năm đến tháng 6/2024, tình hình thiên tai do sạt lở, sụt lún đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn ngầm tiếp diễn và có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Tổng số điểm sạt lở đã xảy ra là 12 điểm tại các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Cần Đước và Châu Thành với tổng chiều dài khoảng 2.263m. Cuối tháng 6 vừa qua, tại Giáo xứ Vườn Xoài, ấp Vàm Lớn, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa đã xảy ra sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài 80m. Độ lún sâu khoảng 0,5m so với mặt nền hiện trạng, chiều rộng sụt lún khoảng 8m tính từ mép sông Vàm Cỏ Tây vào phía trong. Sạt lở, sụt lún đã làm ảnh hưởng đến phần đất của 2 hộ dân và Nhà thờ Giáo xứ Vườn Xoài. Ngoài ra, nền đất còn xuất hiện nhiều vết nứt từ 3-5cm, nguy cơ sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở, sụt lún nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Vừa qua, khu vực kè sạt lở thị xã Kiến Tường xuất hiện nhiều điểm sụt lún, gây nguy hiểm cho người dân sinh sống trong khu vực. Sau khi nhận được thông tin từ Phòng Kinh tế thị xã, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh đã cử Đoàn công tác đến khảo sát thực tế. Theo đó, tại đoạn bờ kè tiếp giáp khu vực chợ phường 1, thị xã Kiến Tường xuất hiện 4 điểm bị sụt lún nghiêm trọng; độ sụt lún từ 0,5-1m, mặt bêtông hở từ 10-20cm, cát dưới nền bị cuốn trôi, sắt thép bị nhô lên, mặt nền bê tông bị lún từ 2-3cm so với hiện trạng ban đầu. Đoạn giao với cầu Hùng Vương cũng xuất hiện 3 điểm sụt lún; độ sụt lún từ 2-3cm, tường kè bị nứt tách biệt nền kè bê tông từ 3-5cm; trong đó, có 1 điểm bị lún sâu 0,5m so với hiện trang ban đầu.
Điểm sạt lở tại khu vực ấp Phú Xuân 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành.
Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân xảy ra sạt lở là do các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thiên tai cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài lại chuyển sang mưa lũ với cường suất ngày càng lớn; các vị trí sạt lở thường xảy ra tại những đoạn sông cong lõm, dưới tác động của dòng chảy, triều cường lên xuống kết hợp sự gia tăng các phương tiện tàu, thuyền lưu thông qua lại. Bên cạnh đó, sự chủ quan của người dân trong việc xây dựng nhà ở, công trình phụ trợ,... rất gần bờ sông hoặc lấn chiếm ra cả mặt nước đã tạo sự gia tăng tải trọng công trình lên bờ sông dẫn tới đất bị sụt lún, sạt lở ngày càng gia tăng.
Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí cho tỉnh đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm ngăn mặn, bảo vệ tài sản, kết cấu hạ tầng, ổn định đời sống người dân.
Tuyến kè phòng, chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Đông (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) đang được khẩn trương thi công. Ảnh: BLA.
Trong đó, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh 6 tuyến kè chống sạt lở: Kè chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ven sông Vàm Cỏ Tây, TP.Tân An; xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc; kè thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ; kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá phường 2 đến cầu mới Tân An); xử lý chống sạt lở sông Vàm Cỏ Tây, khu vực Vịnh Đá Hàn, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An; kè sông Bảo Định đoạn từ cống Bảo Định đến cống đầu kênh Vành Đai, với tổng chiều dài khoảng 10.753m. Ngoài ra, ngành tiếp tục triển khai đầu tư 11 tuyến kè phòng, chống sạt lở bờ sông tại huyện: Bến Lức, Tân Thạnh, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa, TP.Tân An và thị xã Kiến Tường, với tổng chiều dài khoảng 16.000m.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở trên địa bàn UBND tỉnh yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cộng đồng và người dân về công tác phòng, chống sạt lở bờ sông; tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ lòng, bờ sông và bãi sông; đặc biệt là việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, trên sông và khai thác đất, sỏi trái phép ở lòng sông làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông.
Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát, khoanh vùng và đánh giá phân loại mức độ sạt lở, nguy cơ sạt lở bờ sông; tổng hợp, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, huy động các nguồn lực để thực hiện. Trong đó, cần tập trung ưu tiên thực hiện: Cắm biển cảnh báo sạt lở, lập phương án di dời và tổ chức di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đang sinh sống tại các khu vực đang có diễn biến sạt lở, nguy cơ xảy ra sạt lở lớn; nhất là tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân.
Các địa phương cần chủ động xây dựng công trình bảo vệ bờ sông tại những khu vực dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng không thể di dời; trường hợp vượt khả năng cân đối ngân sách của địa phương thì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước; tăng cường huy động các nguồn lực (ngoài ngân sách, doanh nghiệp, nhân dân,...) để xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông, kết hợp đa mục tiêu làm cơ sở để nhân rộng, giảm áp lực ngân sách nhà nước; tiếp tục rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để bổ sung vào Chương trình bố trí dân cư các vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 làm cơ sở để triển khai thực hiện.../.
Lê Kiên
Bình luận