Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ ba, 30/01/2024 14:01
TMO - Tỉnh Long An xây dựng lộ trình cụ thể, tập trung các giải pháp để nâng cao công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn qua đó kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường do ùn ứ rác thải.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh dao động khoảng 725-850 tấn/ngày. Trong đó, khoảng 400 tấn/ngày ở nhiều địa phương trong tỉnh được thu gom, vận chuyển về xử lý tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa (đóng tại huyện Thạnh Hóa).
Cụ thể, có một phần huyện Đức Hòa, Bến Lức (200 tấn/ngày), Thủ Thừa (30 tấn/ngày), Tân Trụ (15 tấn/ngày), Châu Thành (25 tấn/ngày), Thạnh Hóa (11 tấn/ngày), Tân Thạnh (9 tấn/ngày) và TP.Tân An (110 tấn/ngày). Đồng thời, một phần chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đức Hòa, Bến Lức với khối lượng khoảng 100 tấn/ngày được thu gom, đưa về xử lý tại Công ty Vietstar (huyện Củ Chi, TP.HCM). Còn một phần chất thải rắn của huyện Cần Đước và Cần Giuộc, với khoảng 150 tấn/ngày được đưa đến Nhà máy xử lý rác Đa Phước xử lý.
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, công nghệ xử lý rác chưa bảo đảm công tác bảo vệ môi trường. Để giải quyết tình trạng trên, từ năm 2019, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND tỉnh, ngày 16/5/2019 về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Tiếp đó, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3558/KH-UBND, ngày 04/11/2021 về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2025, thay thế kế hoạch số 104.
Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, trong đó công nghệ xử lý rác chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo kế hoạch số 3558/KH-UBND, để đáp ứng yêu cầu xử lý rác cũng như công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý, UBND tỉnh chủ trương: Nâng công suất nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa lên 500 tấn/ngày và chuyển đổi công nghệ từ đốt gia nhiệt sang đốt rác phát điện. Tiếp nhận mới 3 nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện gồm: 1 nhà máy trên địa bàn huyện Đức Hòa, 1 nhà máy trên địa bàn huyện Cần Giuộc và 1 nhà máy trên địa bàn huyện Thạnh Hóa với tổng công suất 750 tấn/ngày.
Thời gian tới, Sở TN&MT phối hợp Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư vào 3 vị trí quy hoạch nên trên; đồng thời, phối hợp UBND TP.HCM hoàn thành đầu tư nhà máy xử lý rác tại Khu công nghệ Môi trường Xanh (huyện Thủ Thừa) để đáp ứng yêu cầu xử lý rác trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo Sở TN&MT Long An, hiện nay, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại hộ gia đình. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp giảm lượng rác thải cần xử lý, giảm kinh phí xử lý rác thải và tận dụng tối đa rác để tái chế và tái sử dụng là vấn đề cấp thiết. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022), rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn; các chủ nguồn thải không thực hiện phân loại rác thải sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian tới. Vì vậy, việc phân loại rác tại nguồn cần được khẩn trương thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
Thời gian qua, TP.Tân An phối hợp Sở TN&MT, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn ở khu vực đô thị (phường 3). Thành phố triển khai hướng dẫn cộng đồng dân cư phân loại rác tại nguồn theo quy định và thu gom rác thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng. Trong đó, lưu ý các khu vực công cộng như công viên, chợ, khu vực kinh doanh nhỏ, lẻ, khu vực nhà trọ. Đồng thời, thành phố tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; huy động mọi lực lượng tham gia hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường khu vực công cộng, đô thị và nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp;..
Sau TP.Tân An, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực nông thôn, thí điểm tại thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, trong đó, chú trọng việc vận hành dây chuyền sản xuất phân compost. Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải của huyện cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Lượng rác thải phát sinh mỗi ngày khoảng 20 tấn, được thu gom, xử lý tại Nhà máy Xử lý rác thải huyện Vĩnh Hưng. Huyện đang triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn ở khu vực nông thôn.
Công nhân tại Nhà máy Xử lý rác thải huyện Vĩnh Hưng phân loại rác để sản xuất phân bón theo mô hình thí điểm.
Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu phòng ngừa kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt;...
Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom...
Về chất thải rắn sinh hoạt nông thôn: 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ; 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường...
Mạnh Dũng
Bình luận