Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ ba, 18/06/2024 14:06
TMO - Tỉnh Long An đã xây dựng lộ trình cụ thể, tập trung các giải pháp để nâng cao công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh trong đó chú trọng đến quy hoạch các khu xử lý rác thải tập trung.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho thấy, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh dao động khoảng 725-850 tấn/ngày. Trong đó, khoảng 400 tấn/ngày ở nhiều địa phương trong tỉnh được thu gom, vận chuyển về xử lý tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa (đóng tại huyện Thạnh Hóa). Cụ thể, có một phần huyện Đức Hòa, Bến Lức (200 tấn/ngày), Thủ Thừa (30 tấn/ngày), Tân Trụ (15 tấn/ngày), Châu Thành (25 tấn/ngày), Thạnh Hóa (11 tấn/ngày), Tân Thạnh (9 tấn/ngày) và TP.Tân An (110 tấn/ngày).
Đồng thời, một phần chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đức Hòa, Bến Lức với khối lượng khoảng 100 tấn/ngày được thu gom, đưa về xử lý tại Công ty Vietstar (huyện Củ Chi, TP.HCM). Còn một phần chất thải rắn của huyện Cần Đước và Cần Giuộc, với khoảng 150 tấn/ngày được đưa đến Nhà máy xử lý rác Đa Phước xử lý.
Công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục để cải thiện nâng cao chất lượng môi trường.
Trong khi đó, rác thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện Tân Hưng khoảng 15 tấn/ngày được xử lý theo hình thức đốt tại lò đốt của huyện. Chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng khoảng 15 tấn/ngày được xử lý bằng hình thức ủ phân compost và chôn lấp tại Nhà máy xử lý rác Vĩnh Hưng. Chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường khoảng 30 tấn/ngày được xử lý theo hình thức đốt tại lò đốt rác của thị xã Kiến Tường. Còn chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện Đức Huệ khoảng 15 tấn/ngày được thu gom, đem về bãi rác lộ thiên tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ.
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh, hiện nay, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghệ xử lý rác chưa bảo đảm công tác bảo vệ môi trường. Để giải quyết tình trạng trên, từ năm 2019, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND tỉnh, ngày 16/5/2019 về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3558/KH-UBND ngày 04/11/2021 về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2025, thay thế kế hoạch số 104.
Tỉnh Long An tiếp tục giữ quy hoạch các địa điểm xử lý chất thải rắn theo Kế hoạch số 3558/KH-UBND, ngày 04/11/2021 của UBND tỉnh và vị trí quy hoạch Khu xử lý rác Công ty Công nghệ Môi Trường Xanh, với quy mô, diện tích 200ha đã được cập nhật vào quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023.
Tỉnh thực hiện theo lộ trình và thứ tự ưu tiên khi triển khai, thực hiện quy hoạch. Địa phương tập trung chỉ đạo chuyển đổi công nghệ đốt rác thông thường sang đốt rác phát điện tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, công suất 500 tấn/ngày tại xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa (xử lý rác phát sinh từ các huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An). Bên cạnh đó, tỉnh tiếp nhận Nhà máy xử lý rác cạnh Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, công suất từ 200- 500 tấn/ngày để xử lý phần rác còn lại của các huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.
Đồng thời, địa phương tiếp nhận 1 nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn huyện Đức Hòa (với diện tích 9ha), công suất 200-250 tấn/ngày, công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng để xử lý rác cho huyện Đức Hòa, Bến Lức và một phần của huyện Thủ Thừa. Trên địa bàn huyện Đức Huệ sẽ tiếp nhận một nhà máy có công suất 150 tấn/ngày để xử lý rác tồn đọng lộ thiên hiện nay và lượng phát sinh mới (20 tấn/ngày) của huyện Đức Huệ và một phần huyện Đức Hòa theo công nghệ tái chế - sản xuất phân compost - đốt thu hồi nhiệt.
Đối với những điểm xử lý hiện hữu bằng các lò đốt thông thường, Long An tiếp tục cải tạo, sửa chữa để tiếp tục xử lý lượng rác hiện hữu cho đến khi các nhà máy xử lý rác tập trung được hình thành và đi vào hoạt động. Đối với công nghệ xử lý rác, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn nên công nghệ xử lý chất thải rắn đề xuất cần gắn với xu hướng gia tăng khả năng tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị từ chất thải phục vụ sản xuất, tiêu dùng hàng ngày cho người dân như sản xuất phân hữu cơ có chất lượng cao (có bổ sung thành phần vi lượng) phục vụ cây trồng, hoa màu,...; tạo ra các sản phẩm tái sinh từ rác vô cơ sau phân loại như hạt nhựa tái sinh, màng nhựa phục vụ sản xuất trong nông nghiệp, viên nén phục vụ lò hơi trong sản xuất công nghiệp,...
Tỉnh Long An quy hoạch các khu xử lý rác theo hướng tập trung, hạn chế quy hoạch nhỏ, lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kêu gọi đầu tư, lựa chọn công nghệ xử lý.
Tỉnh sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch các khu xử lý rác theo hướng tập trung, hạn chế quy hoạch nhỏ, lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư, lựa chọn công nghệ xử lý, giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí xử lý, thuận lợi cho công tác xử lý môi trường, không nhất thiết mỗi địa phương đều quy hoạch một khu xử lý. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh cơ chế tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn. Mặt khác, kiến nghị bộ, ngành Trung ương xem xét ưu tiên đưa chỉ tiêu công suất các nhà máy đốt rác phát điện vào quy hoạch mạng lưới điện quốc gia...
Tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng.
Về chất thải rắn sinh hoạt nông thôn: 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ; 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.
Việc thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hướng đến mục tiêu 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,... đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.../
Hồng Anh
Bình luận